1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ

An Nhiên

(Dân trí) - Với lượng nước chỉ còn khoảng 1/3 so với mọi năm, hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh cung cấp nước sinh hoạt, thủy nông cho nhiều địa phương ở Quảng Ninh đang có nguy cơ tiệm cận mực nước chết.

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ - 1

Cả một vùng nước mênh mông thường thấy của hồ Yên Lập nay đã cạn kiệt, chỉ còn nhìn thấy màu bàng bạc của đáy hồ.

Hồ Yên Lập là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với dung tích lên tới 127 triệu m3. Hồ được đưa vào sử dụng từ năm 1982 và là nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước sạch của Uông Bí, Quảng Yên và Hạ Long.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí những ngày này, hồ đang trong tình trạng cạn kiệt nước. Cả một vùng nước mênh mông thường thấy nay chỗ mực nước chỉ còn vài mét, nhiều chỗ còn cạn trơ đáy.

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ - 2

Lòng hồ cây cỏ mọc um tùm

Trong lòng hồ có khu vực cỏ, cây mọc um tùm, có chỗ lộ rõ đáy hồ cạn trơ nứt nẻ ngang dọc. Thậm chí có nhiều chỗ đất khô cằn tới mức người, phương tiện và cả trâu bò qua lại thoải mái thành đường mòn.

Nhiều người dân sinh sống trong khu vực cho biết, từ đầu mùa đến giờ mới chỉ có 2 cơn mưa, lượng mưa không đáng kể khiến hồ Yên Lập rơi vào tình trạng như trên.

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ - 3

Đáy hồ khô cằn, nứt ngang nứt dọc

Trao đổi với Dân trí lúc ngày 28/7, ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc công ty Thủy lợi Yên Lập xác nhận tình trạng hồ Yên Lập đang cạn kiệt nước. Hiện nước trong hồ chỉ còn khoảng 20 triệu m3 trong khi cùng kỳ năm 2019, lượng nước trong hồ xấp xỉ 60 triệu m3.

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ - 4

Cũng theo ông Tùng, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong khoảng 40 năm trở về đây. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài nguy cơ tiệm cận mực nước chết là khó tránh khỏi.

“Như vậy có nghĩa sẽ không đủ khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt, thủy nông tưới tiêu của 3 địa phương gồm: TP Uông Bí, thị xã Quảng Yên và một phần TP Hạ Long”, ông Tùng nói.

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ - 5

Trâu, bò thoải mái đi lại dưới lòng hồ.

Ông Tùng cho biết thêm, để tránh làm ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ nông nghiệp, tưới tiêu cho hơn 6.000 ha (chủ yếu tại Quảng Yên), công ty đã bàn bạc với các địa phương và Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh giảm việc cấp nước từ 3 đợt xuống 2 đợt/tháng, mỗi đợt cấp giảm từ 8 ngày xuống 5 ngày.

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ - 6

Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh buộc phải thi công trạm bơm nổi, nối đường ống dài để liên tục di chuyển đến khu vực có nước (ảnh CTV)

Đối với nước sinh hoạt, theo ông Tùng, công ty cũng đã đề nghị Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh thông báo đến người dân, có biện pháp tích trữ nước trong những ngày đóng nước.

Cận cảnh hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh cạn trơ đáy, bò đi lại giữa hồ - 7

Ngoài việc thực hiện giảm tần suất cấp nước, các đơn vị còn huy động xe lưu động để cung cấp nước cho nhà hàng, khách sạn để đảm bảo việc sinh hoạt của khách (ảnh CTV)

Ông Trần Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh cho biết, để khắc phục tình trạng trên, công ty đang thi công một  trạm bơm nổi trên phà. Đồng thời kéo dài đường ống nước, nước rút đến đâu thì đẩy phà ra lòng hồ đến đó để chủ động bơm hết lượng nước tích trữ còn lại trong lòng hồ.

Cũng theo ông Mạnh, đối với khu vực Bãi Cháy (TP Hạ Long) và thị xã Quảng Yên, công ty đang chuẩn bị thi công một đường ống để lấy nước từ một hồ nước ngọt khác về cung cấp cho các khu vực này.

Ngoài ra công ty cũng điều động một số xe nước lưu động cấp nước cho một số nhà hàng, khách sạn đảm bảo phục vụ du khách.