1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cán bộ y tế chữa bệnh nhiều hơn các đối tượng khác

(Dân trí) - “Cán bộ y tế đi khám, chữa bệnh nhiều hơn các đối tượng khác, có bệnh án khám, chữa bệnh nội trú nhưng thực tế vẫn đi làm” - Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân làm thâm hụt quỹ BHYT.

Trong bản báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế của Uỷ ban về các vấn đề xã hội, bà Thu đã thẳng thắn chỉ rõ tình trạng lạm dụng quĩ BHYT từ “mọi phía”.

 

Theo bà Thu, nhiều cơ sở y tế lạm dụng xét nghiệm cận lâm sàng, nhiều nơi trên 50% người bệnh khi khám chữa bệnh đều có chỉ định siêu âm hay đã bị tai nạn là chỉ định chụp CT sọ não…

 

Cũng theo người đứng đầu Uỷ ban về các vấn đề xã hội, “đáng lưu ý và phổ biến nhất” trong việc lạm dụng BHYT là một số người dân khi bị ốm, hay cần phẫu thuật mới mua BHYT tự nguyện, cá biệt có hiện tượng một người bệnh mang theo 2 đến 3 thẻ BHYT đi khám bệnh để lấy thuốc bán ra thị trường…

 

Chưa hết, tại một số địa phương, việc cung ứng thuốc khám, chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh chưa được thực hiện theo cơ chế đấu thầu thống nhất nên đã xảy ra tình trạng một loại thuốc, cùng hãng sản xuất nhưng lại có giá khác nhau giữa các cơ sở khám, chữa bệnh liền kề nhau, hoặc giá thuốc trong bệnh viện cao hơn nhiều so với giá thị trường…

 

Đội ngũ cán bộ giám định của cơ quan BHXH tại các địa phương đa số là bác sĩ mới ra trường hoặc y sĩ (do BHXH không tuyển được bác sĩ có kinh nghiệm, vì thu nhập thấp so với làm ở bệnh viện) nên việc giám định chỉ là hình thức, chưa đủ khả năng để kiểm soát việc lạm dụng BHYT ở các bệnh viện.

 

Tính đến cuối năm 2006, trên cả nước đã có 40% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

 

Năm 2006 có khoảng 65 triệu số lượt người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh. 

Bên cạnh tình trạng “xâm phạm” quĩ, bà Nguyễn Thị Hoài Thu cũng chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập khác của BHYT. Chẳng hạn, một số tỉnh đưa ra các quyết sách không ủng hộ mở rộng BHYT do tiền nộp bảo hiểm là của nhân dân địa phương, nhưng quản lí chi tiêu thì địa phương không biết, thậm chí quĩ kết dư lại bị chuyển đi nơi khác.

 

Đặc biệt, những tỉnh có điều kiện kinh tế nghèo, chưa có đủ trang thiết bị hiện đại nên chi phí khám chữa bệnh ít và thường là kết dư lớn quĩ BHYT nhưng lại không được sử dụng cho nhân dân địa phương. Vì vậy đôi lúc đã có ý kiến cho rằng đó là tình trạng “bao cấp ngược của người nghèo cho người giàu”.

 

Nghị định 63/2005 về BHYT tự nguyện được mở rộng với những quy định khá lỏng, kết quả là số người mua BHYT tự nguyện tăng nhanh nhưng “đáng tiếc” chỉ có ở những người già và người thường xuyên bị bệnh mới mua BHYT tự nguyện (hiện tượng lựa chọn ngược). Kết quả là trong 2 năm 2005 và 2006, quĩ BHYT đã mất cân đối gần 2.000 tỷ, gần bằng số tiền tích lũy của quỹ BHYT trong 12 năm thực hiện BHYT.

 

Kim Tân