1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Cán bộ xã vào rừng đánh dấu cây để giành phần!

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An để xảy ra các vụ phá rừng có trách nhiệm của ngành kiểm lâm, ban quản lý các rừng, cán bộ chính quyền địa phương nơi có rừng. Người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh cũng khẳng định: Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ để mất rừng.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu thông tin về phát hiện, xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Nhức nhối nạn phá rừng

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 1.236.259 ha rừng và đất lâm nghiệp, lớn nhất cả nước. Trong năm 2017, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và bắt giữ 730 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản tịch thu 1.235,83 m3 gỗ tròn, xẻ các loại, tổng thu nộp ngân sách hơn 11,2 tỷ đồng.

Trong năm 2017, 730 vụ vi phạm lâm luật đã được ngành chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện và xử lý (ảnh Nguyễn Duy)
Trong năm 2017, 730 vụ vi phạm lâm luật đã được ngành chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện và xử lý (ảnh Nguyễn Duy)

Riêng lực lượng Công an đã phát hiện 170 vụ phá rừng, trong đó có 17 vụ có dấu hiệu hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 14 vụ án hình sự với 39 đối tượng. Về hành vi vi phạm quy định khai thác bảo vệ rừng khởi tố 7 vụ, 24 bị can; hủy hoại rừng 6 vụ, 11 bị can và 1 vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với nhiều đối tượng, trước mắt sẽ khởi tố 4 bị can. Các vụ phá rừng xảy ra ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ và thị xã Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Hữu Cầu: Xử lý nghiêm các vụ phá rừng, không có ngoại lệ. Kinh nghiệm cho thấy càng xử lý nghiêm, lập lại trật tự thì sẽ bảo vệ rừng tốt hơn.

Bên cạnh người dân khai thác gỗ trái phép do nhận thức pháp luật hạn chế, do phong tục tập quán sinh sống và một bộ phận không nhỏ tham gia phá rừng vì lợi ích kinh tế trước mắt, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do các cơ quan chức năng chưa làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng đã được phân công, phân cấp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết pháp luật về bảo vệ rừng quy định rất chặt chẽ, trong đó có các lực lượng chủ rừng – BQL các rừng phòng hộ, kiểm lâm địa bàn, Chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và bộ đội biên phòng nơi có rừng mà BĐBP đóng quân. Tuy nhiên qua điều tra cho thấy thì nhiều phần việc đã được quy định cụ thể về tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng thì các lực lượng này không làm hoặc làm chưa tốt.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thì năm 2017, cơ quan cảnh sát đã phát hiện, làm rõ 170 vụ phá rừng, trong đó khởi tố hình sự 14 vụ, 39 đối tượng
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thì năm 2017, cơ quan cảnh sát đã phát hiện, làm rõ 170 vụ phá rừng, trong đó khởi tố hình sự 14 vụ, 39 đối tượng

“Trên thực tế, đội ngũ bảo vệ rừng, trong đó có kiểm lâm thiếu biên chế so với yêu cầu. Tuy nhiên nếu huy động, thành lập được các đội dân phòng của xã tham gia tuần tra thì rừng vẫn được bảo vệ một cách bình thường. Nếu kiểm lâm làm hết trách nhiệm thì việc hủy hoại rừng sẽ giảm xuống rất nhiều”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – GĐ Công an tỉnh Nghệ An nói.

Sắp tới, bên cạnh làm rõ trách nhiệm của các chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, ngành công an sẽ làm rõ trách nhiệm của UBND xã các nơi có rừng, trách nhiệm của bộ đội biên phòng và các lực lượng có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng để kiến nghị xử lý.

Các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An truy trách nhiệm của ngành NN&PTNT tỉnh – đơn vị được giao trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng. Các đại biểu cũng chỉ rõ có nhiều vụ phá rừng ngành kiểm lâm, các ban quản lý rừng phòng hộ phát hiện rất chậm, có những vụ việc khi phát hiện ra thì một diện tích lớn với hàng trăm cây gỗ quý có giá trị hàng chục tỉ đồng đã bị triệt hạ.

Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ để mất rừng

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An thừa nhận tình trạng chặt phá rừng diễn ra một thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để. Là đơn vị quản lý, người đứng đầu ngành nông nghiệp xin nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Các đại biểu truy trách nhiệm của lãnh đạo ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An khi để xảy ra mất rừng
Các đại biểu truy trách nhiệm của lãnh đạo ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An khi để xảy ra mất rừng

Các vụ phá rừng khi bị phát hiện, ngoài người dân bản địa hoặc các đối tượng từ nơi khác đến, còn có chính cán bộ xã nơi có rừng. “Có cán bộ xã còn vào rừng đánh dấu cây để giành phần”, ông Hiếu thông tin.

Ông Hiếu cho rằng, việc bảo vệ, quản lý gặp rất nhiều khó khăn do rừng nằm ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới trong khi đó lực lượng được giao giữ rừng rất mỏng. “Nhiều nơi thiếu người, không được giao chỉ tiêu biên chế. Theo quy định cứ 1.000ha rừng sẽ phải bố trí 1 biên chế bảo vệ rừng nhưng nhiều nơi 1 cán bộ giữ rừng làm công việc của 3-4 người, thậm chí có nơi 1 cán bộ kiểm lâm phải bảo vệ đến 11.000ha, nghĩa là làm thay công việc của 11 người”, ông Hiếu cho hay.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An: Không có vùng cấm hay bao che khi xử lý cán bộ để mất rừng
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An: Không có vùng cấm hay bao che khi xử lý cán bộ để mất rừng

Lãnh đạo ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các vụ phá rừng cũng như trách nhiệm của những người liên quan đã và sẽ được xử lí nghiêm.

“Phải chịu đau một tý, chắc chắn sang năm sẽ tốt hơn. Chúng ta sẽ không vì thành tích mà che giấu, nếu không làm rõ trách nhiệm của các đơn vị được giao giữ rừng thì việc phá rừng sẽ âm ỉ kéo dài. Không có vùng cấm, không bao che trong xử lý nếu phát hiện có sự thông đồng giữa lực lượng bảo vệ rừng và lâm tặc”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm