Sơn La:
Cán bộ thú y “hô biến” gà thải loại thành… gà sạch
(Dân trí) - Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (C49) Bộ Công an cho biết vừa phát hiện một vụ hơn 2.300 con gà nghi là gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc được cán bộ thú ý tỉnh Sơn La cấp giấy kiểm dịch hợp pháp.
Ngày 29/12/2012, Cục C49 phối hợp với Phòng PC49 Công an Sơn La kiểm tra xe ô tô BKS: 26C – 00757 do Nguyễn Tài Kiên, SN 1990, trú tại bản Lọong Bon, phường Chiềng An, TP Sơn La điều khiển có chở 2.335 con gà (lông màu vàng, chân vàng, cổ, cánh, đuôi ít lông, nghi là gà thải loại của Trung Quốc). Tại thời điểm kiểm tra, lái xe xuất trình được 1 Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp pháp chuyển ra ngoài tỉnh do Chi cục Thú y Sơn La cấp ngày 28/12/2012 cho chủ hàng là Nguyễn Tài Sinh. Nơi xuất phát TP Sơn La; nơi đến cuối cùng Thủy điện Lai Châu; giấy có giá trị hết ngày 30/12/2012.
Phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Cơ quan công an đã tiến hành làm việc với chủ lô hàng trên là ông Nguyễn Tài Sinh. Ông Sinh khai đã mua số gà trên của ông Nguyễn Tích Tảo (Chương Mỹ, Hà Nội) ngày 27/12. Ông Tảo có được Giấy Chứng nhận kiểm dịch số 0026642/CN-KDĐVNT ngày 28/12/2012 cấp cho sản phẩm của Công ty CP Japfa Comfierd Việt Nam, địa chỉ xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội. Tuy nhiên Công an đã xác minh tại Công ty CP Japfa Comfierd Việt Nam là nơi được Chi cục Thú y Hà Nội cấp chứng nhận kiểm dịch khẳng định, công ty chỉ bán loại gà có lông màu trắng cho ông Nguyễn Tích Tảo.
Vậy là 2.335 con gà không có nguồn gốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ không bị lập biên bản, niêm phong phương tiện vận chuyển. Gà thực tế bị phát hiện và gà được cấp phép từ Hà Nội là 2 loại hoàn toàn khác nhau vẫn được cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Sơn La cấp giấy phép kiểm dịch để vận chuyển, tiêu thụ.
Cục C49 còn cho biết: Hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật ra ngoài tỉnh của ông Nguyễn Tài Sinh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số gà nhưng vẫn được ông Hà Văn Tiêm cấp phép. Quá trình kiểm dịch ông Hà Văn Tiêm thừa nhận không lập biên bản niêm phong phương tiện vận chuyển theo quy định. Bản thân ông Nguyễn tài Sinh đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý chưa quá thời hạn 1 năm mà vẫn tái phạm.
Trước vụ việc này, Cục Cảnh sát PCTP về Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PT Nông thôn kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân vi phạm tại Chi cục Thú y Sơn La. Đồng thời chỉ đạo Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kiểm dịch động vật. Sản phẩm động vật khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch phải ghi cụ thể đặc điểm, chúng loại gà, màu lông,... tránh tình trạng ghi chung chung như hiệ nay, không để các đối tượng lợi dụng thay đổi, hợp pháp gà không rõ nguồn gốc.
Cục CSPCTP Môi trường – Bộ Công an đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an Sơn La để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý răn đe mạnh đối với các đối tượng đã cố tình tiếp tay biến gà “nhập lậu” thành gà hợp pháp để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Ngày 27/12/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, trong đó quy định rõ: Xử phạt nghiệm, tang vật phải tịch thu tiêu hủy, phương tiện vận chuyển gia cầm lậu phải bị tịch thu hoặc tạm giữ tối đa thời gian;... Được biết, sau khi Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP đã chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo và yêu cầu các đơn vị chức năng đấu tranh ngăn chặn bằng được tình trạng nhập lậu gà thải loại vào Việt Nam, số lượng gà nhập lậu đã giảm rõ rệt. Tại Chợ đầu mối Hà Vĩ, Hà Nội, lượng gà thải loại được nhập lậu công khai về đã giảm từ 100 tấn/ngày vào thời điểm giữa năm 2012 xuống còn rất ít dưới hình thức phân tán nhỏ lẻ lén lút. Giá gà nuôi trong nước cũng tăng lên, đời sống hàng vạn gia đình nông dân được đảm bảo. Những thành quả bước đầu này làm cho mức chênh lệch giữa giá gà nuôi và gà nhập lậu càng cao nên càng cần cảnh giác với các hành vi sẵn sành phạm tội “tiếp tay” cho tiêu cực. |
Huy Bình
TTXVN