1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Công trình không phép 91 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội):

Cán bộ quận chưa đủ “tầm” để bắt lỗi?

Sáng 9/3, công trình không phép 31 tầng tại 91 Nguyễn Chí Thanh đã tạm dừng thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư - Công ty Đầu tư xây lắp và phát triển nhà - để chờ xin giấy phép. Cho đến lúc này, thanh tra xây dựng quận Đống Đa và phường Láng Hạ mới biết đã bị chủ đầu tư “qua mặt”.

>> Hà Nội: Lại một tòa nhà 31 tầng không phép

 

Ông Nguyễn Xuân Hải - Cán bộ phụ trách xây dựng phường Láng Hạ - cho biết, chỉ đến khi phường yêu cầu chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng và các hồ sơ liên quan thì chủ công trình mới đưa hồ sơ đến trình và cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục trong thời gian tới.

 

Ông Trần Khắc Hạ, Chánh thanh tra quận Đống Đa, giải thích: Theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì đây là công trình thuộc loại được miễn phép. Đến ngày 29/9/2006, Chính phủ đã ban hành nghị định 112/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 16/2005, đã bổ sung quy định một số công trình được miễn phép sẽ phải xin cấp phép như các công trình khác.

 

Thưa ông, hiện nay thanh tra xây dựng quận đã có hồ sơ về công trình xây dựng M5 chưa?

 

Đến thời điểm này chúng tôi chưa có bộ hồ sơ liên quan đến toà nhà đó.

 

Nhưng theo nguyên tắc, dù công trình có phép hay miễn phép thì chủ đầu tư đều phải có hồ sơ gửi về chính quyền cơ sở để theo dõi, vì sao quy định này không được thực hiện?

 

Về nguyên tắc là như vậy, nhưng từ trước đến nay, hầu như cấp quận và cấp phường gần như không thể theo dõi được các dự án lớn. Lý do là quận, phường chưa đủ năng lực thẩm định.

 

Nếu cấp cơ sở không đủ thẩm quyền thì phải báo cáo lên thành phố, vậy sao quận, phường lại không làm?

 

Việc phối hợp này rất khó, nếu chúng tôi vào kiểm tra có phát hiện sai phạm thì mới đề xuất. Công trình M5 khi kiểm tra thì thấy có thẩm định thiết kế cơ sở rồi, nên chúng tôi không đề xuất nữa.  

 

Hơn nữa, với những công trình này nếu kiểm tra thì phải có cán bộ có trình độ đại học, có đủ năng lực thẩm định để bắt lỗi được chủ đầu tư. Nhưng lực lượng của chúng tôi chưa thể làm thế được.

 

Lấy lý do này để giải thích cho việc chủ đầu tư không báo cáo chính quyền cơ sở, theo ông đã hợp lý chưa?

 

Đây là do chủ đầu tư không nghiêm túc trong việc trình hồ sơ pháp lý trước khi xây dựng công trình cho chính quyền cơ sở

 

Ông có thể giải thích vì sao sau khi Nghị định 112 đã ban hành gần nửa năm, nhưng đến nay phường không có động tác gì để giám sát, hay kiểm tra các công trình này?

 

Cũng không hẳn do chính quyền làm ngơ đâu, vì việc áp dụng những văn bản chưa thể làm ngay được, bởi từ ngày ký đến khi thực thi còn mất rất nhiều thời gian như tập huấn, thông báo, nghiên cứu…Và như tôi đã nói ở trên, là do chủ đầu tư không nghiêm túc trong việc trình hồ sơ pháp lý trước khi xây dựng công trình cho chính quyền cơ sở.

 

Thực tế gần như các dự án lớn, đặc biệt là công trình có vốn nhà nước xây dựng trên địa bàn quận, chủ đầu tư không bao giờ báo cáo chính quyền cơ sở, kể cả khi chính quyền yêu cầu. Họ cho rằng “tầm” của quận, phường chưa đủ để giám sát những dự án lớn.

 

Trong khi chờ chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng, quận sẽ có biện pháp xử lý như thế nào đối với công trình này?

 

Sẽ tiến hành đình chỉ thi công để tiến hành giải quyết các vướng mắc cho đến khi nào có đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định mới. Chúng tôi đã mời chủ đầu tư lên và nói rõ quan điểm này.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Lê Minh

VTCNews