1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội:

Cán bộ phường Hạ Đình phá nhà dân sai quy định

(Dân trí) - Sau vụ việc Phó Chủ tịch cùng cán bộ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội phá nhà dân sai quy định gây bức xúc dư luận hôm 15/1 vừa qua, người dân tiếp tục phản ứng về cách hành xử của phường trong buổi làm việc để phân định đúng - sai với gia đình sáng qua, 17/1.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Tiến Giàu (chủ nhà số 89, tổ 15B, Hạ Đình): Sáng 15/1, trong khi vợ chồng ông đi vắng, một nhóm người xưng là cán bộ phường nhưng không mặc đồng phục, không đeo phù hiệu tới phá dỡ gian nhà đang xây dở của gia đình ông.

 

Khi đó, bố vợ ông Giàu (hơn 70 tuổi) đứng ra phân trần, đề nghị chờ chủ nhà về nhưng cả 4 người đã gạt ông cụ ra, đẩy đổ tường, đuổi thợ xây đi. Họ cũng ngăn không cho ông đi gọi con gái, con rể về.

 

Phản ứng trước việc làm đó, người dân trong tổ dân phố đã vây kín, không cho nhóm người này về và lập biên bản tại chỗ. Ông Nguyễn Quang Hiển - Phó Chủ tịch UBND phường - người trực tiếp tham gia đẩy tường, phá nhà phải ký xác nhận hành động sai phép đó của mình.

 

Cả phường cùng “lờ”

 

Trong buổi làm việc sáng qua, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình và mấy cán bộ xây dựng trực tiếp đập phá nhà ông Giàu hôm 15/1 đều có mặt. Nhưng cả đoàn “đại biểu” đó không làm gì ngoài việc ngồi hý hoáy lập biên bản mới về việc vi phạm xây dựng của gia đình ông rồi yêu cầu người nhà ký xác nhận.

 

Vợ ông Giàu, bà Chu Kiều Hương không chấp nhận và yêu cầu phường xác định rõ trong vụ việc này, gia đình chị sai ở điểm nào, cán bộ phường sai ở điểm nào thì tất cả những người có mặt đều lờ đi câu hỏi đó. Không ai giải thích, không ai chịu thừa nhận việc phá dỡ nhà dân sai luật của mình, chỉ quẩn quanh với vấn đề lập biên bản.

 

Đến quá giờ trưa, đại diện phường ấn vào tay bà Hương một tờ biên bản với nội dung gia đình ông Nguyễn Tiến Giàu đã vi phạm trong việc tiến hành xây 3 gian nhà phía sân sau cao gần 3m, không xin phép.

 

Ông Giàu thành thật xác nhận, ông không xin giấy phép xây dựng khi cất nhà. Nhưng mấy gian nhà đã bắt đầu xây dựng cách đây cả tháng và phường chưa lần nào có ý kiến gì. Hơn nữa, có xin phép cũng vô nghĩa vì từ năm 2001-2002, phường đã thông báo không cấp phép xây dựng, không cấp “sổ đỏ”, thậm chí không giải quyết bất cứ thủ tục nào liên quan đến hộ khẩu như cắt khẩu, nhập khẩu… trên địa bàn tổ 15B với lý do khu vực này nằm trong quy hoạch vườn hoa cây xanh của thành phố.

 

Phá nhà giống như bắt cướp?

 

Tại UBND phường, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Hiển viện lí do bận và “khất” một buổi làm việc khác vào tuần sau. Sau một hồi thuyết phục vị này đã đồng ý trao đổi, nhưng chỉ trong giới hạn thời gian 5 phút.

 

Về việc người dân cho rằng, chính ông Hiển đã trực tiếp đẩy bức tường, ông Phó Chủ tịch không trả lời trực tiếp: “Tôi là tổ phó tổ công tác và chỉ đạo công việc này thế thì tôi chỉ đạo hay là tôi phải lên làm (phá dỡ)?”.

 

Khi được hỏi tại sao phá dỡ nhà dân mà chưa có quyết định cưỡng chế, ông Hiển đã làm một phép so sánh lạ lẫm: “Theo các anh chị, nếu bắt cướp ở ngoài đường thì có cần phải có quyết định bắt người hay không?”. Vị Phó chủ tịch này cho rằng, theo quan điểm của cá nhân ông cũng như theo “văn bản của nhà nước”, các cán bộ của phường có đủ thẩm quyền thực hiện việc phá dỡ. Tuy nhiên, ông không nói được là theo văn bản cụ thể nào.

 

Theo người dân thì họ chưa kí vào biên bản nào và thực tế cũng chưa có biên bản hiện trường nào được lập. Nhưng cứ cho là đã có một biên bản  được lập thì cũng chưa thể thực hiện việc phá dỡ ngay lập tức. Vậy nhưng, hỏi vị phó chủ tịch về việc này, ông lại một lần nữa so sánh với việc “bắt trộm” và khẳng định mình làm đúng “qui trình”.

 

Ông Lưu Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cũng đã thừa nhận với phóng viên rằng, việc cưỡng chế trên của cán bộ phường Hạ Đình thi hành không đúng thủ tục vì không có sự chứng kiến của gia đình và đại diện khu phố.

 

Cấn Cường - Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm