TPHCM:

"Cán bộ phạm pháp phải "trị" nặng hơn người dân"

(Dân trí) - Tại hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, cử tri cho rằng, người dân vi phạm pháp luật thì bị xử phạt rất nặng trong khi quan chức vi phạm thì bị xử lý rất nhẹ tay. Cán bộ, quan chức là người hiểu luật mà vi phạm thì cần xử phạt nặng hơn dân vi phạm chứ không thể viện lý do là nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Chiều 8/5, tại huyện Hóc Môn đã diễn ra hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 9 (huyện Củ Chi, Hóc Môn).

Các ứng cử viên gồm ông Đinh La Thăng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Trần Anh Tuấn – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM; bà Văn Thị Bạch Tuyết – Giám đốc Sở Du lịch TPHCM; ông Bùi Quang Huy – Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đoàn; bà Ngô Thị Phương Lan – Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn (ảnh Nguyễn Quang)
Ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn (ảnh Nguyễn Quang)

40 năm chống tham nhũng chưa xong

Tại hội nghị, cử tri Phan Thị Tuyết Anh (thị trấn Hóc Môn) mong muốn các ứng viên được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa tới, khi tiếp xúc cử tri cần thâm nhập sâu vào đời sống, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Bà Anh cho biết, khi theo dõi các kỳ họp Quốc hội thấy nhiều ý kiến đại biểu phát biểu mà khiến người dân phản ứng, nhất là các vấn đề liên quan đến giá điện, xăng dầu, phí… “Bản thân tôi thấy những phát biểu đó không đứng về phía nhân dân. Tôi mong muốn khi đại biểu biểu quyết những quyết sách của nhà nước thì nên nghĩ đến quyền lợi của người dân, đứng về phía nhân dân” - bà Anh thẳng thắn.

Một vấn đề nữa mà cử tri Anh bức xúc đó là việc xử lý quan chức, cán bộ vi phạm pháp luật.

Bà Anh gay gắt: “Khi người dân vi phạm pháp luật thì xử lý rất là nghiêm minh. Nhưng mà các quan chức vi phạm pháp luật thì xử lý rất là nhẹ tay. Cơ quan xét xử đưa ra lý do là nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho đất nước nên giảm án. Nhưng mà nên nhớ, các vị có nhân thân tốt, có đóng góp nhiều cho nhà nước mới ngồi ở vị trí đó. Và các vị cũng được hưởng lương cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập người nông dân… Anh hiểu biết pháp luật mà vi phạm thì phải bị pháp luật trừng trị thẳng tay, phải nặng hơn người dân”.


Cử tri kiến nghị cần nghiêm trị những quan chức, cán bộ vi phạm pháp luật (ảnh Nguyễn Quang)

Cử tri kiến nghị cần nghiêm trị những quan chức, cán bộ vi phạm pháp luật (ảnh Nguyễn Quang)

Trong khi đó, nhiều cử tri huyện Hóc Môn rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng hiện gây bức xúc trong nhân dân, làm mất niềm tin của người dân vào cơ quan nhà nước.

Cử tri Võ Văn Liên (xã Tân Xuân) kiến nghị Quốc hội khóa tới phải chống bằng được tiêu cực tham nhũng, lãng phí. Ông Liên thở dài: “40 năm chống tham nhũng chưa xong”.

Còn cử tri Đinh Xuân Nghiêm (Tân Xuân) cho biết tham nhũng ảnh hưởng đến sự trường tồn, thịnh vượng của đất nước. “Ai cũng bức xúc về chống tham nhũng. Chống được thì đất nước trường tồn còn không chống được thì rất nguy hại”, ông Nghiêm nói.

"Muốn có thành phố đáng sống, phải hạn chế nhậu nhẹt"

Bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng đề nghị đại biểu quan tâm đến các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách giáo dục, ô nhiễm môi trường, chất lượng và giá thành dịch vụ y tế, việc làm cho sinh viên ra trường….

Cử tri Nguyễn Ngọc Châu (xã Trung Chánh) cho biết, thời gian qua giáo dục đào tạo có cải cách nhưng thực sự chất lượng cải cách chưa cao, hiệu quả chưa như mong đợi. Kiến thức sách giáo khoa còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tế, nội dung chưa đáp ứng với nhu cầu cho sự phát triển thực tiễn. Cử tri Châu mong ứng viên đề nghị đại biểu nên tập trung vấn đề này để công cuộc cải cách giáo dục đạt chất lượng cao hơn.

Trong khi đó, cử tri Mai Khâm (thị trấn Hóc Môn) cũng bức xúc về những hạn chế trong cải cách giáo dục hiện nay. Ông cho biết, hình thức thi cử thay đổi liên tục khiến học sinh rất bối rối. Thử nghiệm liên tục mà chưa rút ra được kinh nghiệm.

“Ngoài ra, thành phố phải hạn chế tình trạng nhậu nhẹt, hút thuốc lá của thanh thiếu niên… Nếu muốn có thành phố đáng sống thì phải giải quyết vấn đề này”, cử tri Khâm kiến nghị.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: Cần xử lý nghiêm những người có chức, có quyền chứ vi phạm pháp luật chứ không thể nói nhân thân tốt mà giảm án (ảnh Nguyễn Quang)
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: "Cần xử lý nghiêm những người có chức, có quyền chứ vi phạm pháp luật chứ không thể nói nhân thân tốt mà giảm án" (ảnh Nguyễn Quang)

Thay mặt các ứng cử viên phát biểu với cử tri, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cảm ơn những ý kiến, hiến kế của bà con cử tri. Đây là những ý kiến có trách nhiệm, thể hiện sự trăn trở của người dân đối những vấn đề lớn của đất nước, của thành phố.

Về vấn đề chống tham nhũng, ông Thăng cho biết, đây là việc hết sức khó khăn và nan giải. Tham nhũng thực sự là vấn đề đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của chế độ. Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, quyết liệt để chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Tham nhũng, tham ô, lãng phí…vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

Thời gian tới, Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng bằng những giải pháp thiết thực, hữu hiệu. Và đặc biệt là có sự tham gia giám sát của người dân, nhất là việc kê khai tài sản. Những hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông Thăng cũng nhấn mạnh: “Cần xử lý nghiêm những người có chức, có quyền chứ không thể nói nhân thân tốt mà giảm án được”.

Quốc Anh