1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cán bộ gây oan sai có thể phải bồi thường đến 50 tháng lương

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, ở mức quy trách nhiệm cao nhất, khi gây ra thiệt hại trị giá trên 100 tháng lương, cán bộ, công chức phải bồi hoàn 50 tháng lương.

Với mức chi hơn 10 tỷ đồng của nhà nước để bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, cán bộ gây oan sai nếu phải bồi hoàn thì mức bồi hoàn cao nhất là 50 tháng lương của người đó
Với mức chi hơn 10 tỷ đồng của nhà nước để bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, cán bộ gây oan sai nếu phải bồi hoàn thì mức bồi hoàn cao nhất là 50 tháng lương của người đó

Nghị định 68 được ban hành để hướng dẫn chi tiết việc xác định mức hoàn trả tiền bồi thường của người thi hành công vụ. Theo hướng dẫn, lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định hoàn trả.

Trường hợp tại thời điểm có quyết định hoàn trả, người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc tại cơ quan nhà nước thì việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc.

Nghị định quy định mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định như sau:

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 40 đến dưới 50 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 60 đến 80 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 30 đến dưới 40 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Về mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại, Nghị định quy định như sau:

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 05 tháng lương của người đó;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 08 đến 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 04 tháng lương của người đó;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 06 đến 08 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 03 tháng lương của người đó;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 06 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ việc xác định mức hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại được thực hiện như sau:

a- Xác định mức hoàn trả của một người thi hành công vụ trên toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường tương ứng với mức độ lỗi theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật;

b- Tính tổng mức hoàn trả của những người thi hành công vụ gây thiệt hại trên cơ sở kết quả quy định tại điểm a nêu trên;

c- Tính tỷ lệ % mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại quy định tại điểm a so với tổng mức hoàn trả quy định tại điểm b;

d- Mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại được xác định bằng số tiền Nhà nước đã bồi thường nhân với tỷ lệ % quy định tại điểm c.

P.T