1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cán bộ lương thấp xài xe sang, nghịch lý nhưng vẫn… chẳng sao

(Dân trí) - Dù chỉ đạo không trang bị mới xe công phục vụ các chức danh đã được quán triệt những năm gần đây, nhưng thông tin mới nhất, mỗi năm cả nước vẫn phải mua mới hơn 600 ôtô, hết 603 tỷ đồng. Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề công khai hóa tiêu chuẩn sử dụng xe công vì hiện tại, cán bộ không tiết kiệm, lương thấp mà lại xài xe sang cũng… chẳng sao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu công khai những địa chỉ gây lãng phí tài sản nhà nước (ảnh: Quochoi.vn).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu công khai những địa chỉ gây lãng phí tài sản nhà nước (ảnh: Quochoi.vn).

Vấn đề được nêu ra khi UB Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 hôm nay, 15/6, trong khuôn khổ chương trình phiên họp thứ 49.

Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước (nhất là mua sắm xe ô tô công): chỉ thực hiện mua sắm đối với xe ô tô chuyên dùng trong định mức được duyệt; không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung (trừ mua xe cho đơn vị mới thành lập và do các nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác)…

Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, năm 2015 đã thực hiện mua mới: 611 xe ô tô với tổng nguyên giá 603 tỷ đồng (khối Trung ương mua sắm 69 xe; khối địa phương mua sắm 542 xe). Số lượng xe ô tô mua mới chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập chưa có xe ô tô và thay thế số xe ô tô chuyên dùng đã hết thời hạn sử dụng.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, năm 2015 cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 154.679 cơ sở nhà đất (tăng 1.400 cơ sở so với năm 2014) với tổng diện tích đất khoảng 3.006 triệu m2 và diện tích nhà xấp xỉ 140 triệu m2.

Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính – Ngân sách chỉ rõ, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng chi ngân sách nhà nước. Nhiều dự án có dấu hiệu lãng phí lớn cũng được đề cập cụ thể trong báo cáo.

50% cán bộ Quốc hội sử dụng xe dưới định mức được hưởng?

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội.

Nhận xét về những thông tin đưa ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu tập trung làm rõ những vấn đề nổi cộm, những biểu hiện lãng phí mà dư luận xã hội đang quan tâm, ví như việc sử dụng xe công, việc cổ phần hóa DNNN hiện nay.

“Cơ quan quản lý cần chỉ rõ ra địa chỉ, tránh việc chỉ nêu chung chung là một số địa phương, một số nơi, dẫn đến chưa thấy rõ được trách nhiệm” – ông Lưu đòi hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng chuyện cổ phần Xưởng phim truyện Việt Nam vừa qua khiến dư luận băn khoăn. Ông Lưu băn khoăn, khi cổ phần hóa việc xác định giá trị của xưởng phim đó thế nào, đất thế nào, nhà cửa thế nào, thương hiệu thế nào… đó là còn chưa nói đến cơ chế đấu giá.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cung cấp thêm một số trường hợp dư luận đang đặt dấu hỏi như nhà máy tơ sợ Đình Vũ (Hải Phòng), nhà máy Gang thép ở Thái Nguyên, nhà máy Đạm Ninh Bình… Dù chưa có khẳng định rõ ràng những đơn vị đó lãng phí bao nhiêu trong quá trình cổ phần hóa nhưng cần báo cáo cụ thể về trách nhiệm của người đầu tư, người đứng đầu trong những dự án này.

Ngoài ra, để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều, trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị đó mà hiện đã luân chuyển công tác, luân chuyển đi đâu, làm gì… theo bà Nga, cũng cần làm rõ.

Ví dụ về vấn đề sử dụng xe công, tài sản công mà nhiều vụ việc dư luận đang rất quan tâm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị công khai hóa về tiêu chuẩn định mức sử dụng xe công đối với cán bộ, công chức để nhân dân và người trong cơ quan tổ chức giám sát.

“Vấn đề quan trọng nhất là xe được trang bị có sử dụng đúng mục đích hay không thì mới đánh giá được về mức độ tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Tiêu chuẩn định mức đã đưa ra nhưng việc kiểm tra kiểm soát xem thực hiện, người sử dụng có đúng không thì còn vấn đề. Nghịch lý là người lương thấp lại đi xe sang, tốt hơn cán bộ cấp trên, rồi cán bộ có không thực hành tiết kiệm cũng… chả sao cả” – ông Hiện nói.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sử dụng sai nguyên tắc, trên định mức với những tài sản như xe công và các mức chi tiêu trong hoạt động công vụ.

Ngược lại, cũng có cơ quan sử dụng tài sản công vụ dưới định mức cũng không được đề cập. "Tính ra, phải đến 50% cán bộ công tác ở Quốc hội có chế độ xe công nhưng sử dụng xe dưới định mức được hưởng” – bà Hải thông tin và đề nghị đưa vào báo cáo những con số này để bức tranh khái quát về tình hình gửi tới Quốc hội được đầy đủ.

P.Thảo