Thừa Thiên Huế:

Cán bộ không được nhận quà biếu là sản phẩm từ động vật hoang dã

(Dân trí) - Ngày 15/11, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa có công văn về việc tăng cường giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phổ biến, quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị mình quản lý để nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái với quy định của pháp luật; khuyến khích người dân thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách và các phương án đã được phê duyệt, xây dựng các phương án quản lý, các quy ước bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, săn bắt, vận chuyển, mua bán, chế biến, trưng bày, tàng trữ, gây nuôi trái phép động, thực vật hoang dã.

Chỉ đạo các Ban quản lý: Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn Sao la, Vườn Quốc gia Bạch Mã và các Ban quản lý rừng phòng hộ, các Công ty lâm nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn hiệu quả hệ sinh thái rừng, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã và các sinh cảnh, cảnh quan của các khu rừng.

Đặc biệt, tăng cường các hoạt động bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Voọc chà vá chân nâu, các loài gà đặc hữu.

Voọc chà vá chân nâu quý hiếm vừa được phát hiện tại rừng Bắc Hải Vân
Voọc chà vá chân nâu quý hiếm vừa được phát hiện tại rừng Bắc Hải Vân

Công an tỉnh phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các công trình phải chú trọng các tác động và ảnh hưởng đến tài nguyên đa dạng sinh học, sinh cảnh của các loài tự nhiên; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát giảm thiểu tác động sau khi các báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và công trình đi vào hoạt động.

Cục Hải quan Thừa Thiên Huế phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã tại các cảng biển và các cảng hàng không trên địa bàn tỉnh.

Công văn cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc tổ chức chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp săn, bẫy, bắt, vận chuyển, nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp xử lý kiên quyết thì chủ tịch UNBD các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Văn Dinh - Đại Dương