1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Cán bộ không có tâm thì khó giải quyết khiếu nại, tố cáo

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không hiệu quả một phần là do cán bộ chưa làm hết tinh thần trách nhiệm, vừa thiếu năng lực lại không có tâm.

Gần 70% đơn khiếu nại, tố cao liên quan đến đất đai

Cán bộ không có tâm thì khó giải quyết khiếu nại, tố cáo
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật, 18/9, theo báo cáo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, trong năm 2014 (tính từ 15/8/2013 đến 15/8/2014), số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng hơn 12%.

Về khiếu nại, cả nước phát sinh gần 82.000 đơn khiếu nại, trong đó có 36.452 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, nội dung khiếu nại hành chính chủ yếu là về lĩnh vực đất đai chiếm 68,2% số đơn khiếu nại.

Về tố cáo, cả nước phát sinh 19.207 đơn tố cáo, trong đó có 7.947 vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 18,2% số đơn. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 60,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm phát luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm lệ 5,2%.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương. Phần lớn những các vụ khiếu nại đông người, phức tạp là những vụ phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm.

Ủy ban Pháp luật cho rằng sự gia tăng các đoàn khiếu kiện đông người là thực trạng đáng báo động
Ủy ban Pháp luật cho rằng sự gia tăng các đoàn khiếu kiện đông người là thực trạng đáng báo động

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, sự gia tăng các đoàn khiếu kiện đông người cũng như sự chống đối quyết liệt người thi hành công vụ trong năm qua là thực trạng đáng báo động, thể hiện sự phản ứng của người dân đối với hoạt động thiếu hiệu quả, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân trong quản lý nhà nước cũng như trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong lĩnh vực đất đai, các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những trường hợp mới, nhưng lại phát sinh một số trường hợp bị thu hồi những năm trước so bì, phát sinh khiếu nại. Chẳng hạn như trường hợp giá đất bồi thường thấp hơn so với giá thị trường hoặc cùng một trường hợp nhưng có sự khác nhau về thời điểm thu hồi nên dẫn đến chênh lệch về giá đất.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch, không tôn trọng ý kiến, lợi ích chính đáng của người dân khi xử lý các mối quan hệ giữa Nhà nước – công dân – doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách về thu hồi đất , bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chưa thấy cán bộ nào bị kỷ luật

Đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, qua xử lý đơn thư, Thanh tra phát hiện ra nhiều sai phạm của cán bộ, có những sai phạm do thiếu trách nhiệm do tiêu cực nhưng phần lớn không có thái độ xử lý về mặt hành chính một cách nghiêm túc. Nhiều lúc chỉ nhắc nhở để làm tốt hơn chứ không xử lý. Việc sắp xếp cán bộ tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo chưa đúng tầm cũng làm giảm hiệu quả. Thứ nhất là do nhận thức, năng lực, trình độ của cán bộ còn yếu kém. Thứ hai là do tham nhũng, tiêu cực. Chính điều đó dẫn đến tình trạng vô cảm trước quyền lợi, danh dự của người dân.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị cần nhìn nhận chính xác vì sao số đoàn khiếu nại tăng. Ở đây có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là người dân liên kết để gây áp lực. Đa số người dân đi khiếu nại là đúng nhưng cơ quan nhà nước không dám giải quyết vì có những việc giải quyết xong lại có hậu quả phía sau.

“Nhiều trường hợp người dân kiện ra tòa. Nhưng bản chất tòa hành chính là dân kiện “quan” nên người dân rất e ngại. Nhưng tôi tin chắc rằng, người dân kiện thì sẽ thắng”, ông Thuyền nhấn mạnh.

Theo ông Thuyền, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không hiệu quả có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là việc giải quyết đơn thư khiếu nại chỉ là phần ngọn, còn phần gốc là do chính sách không phù hợp với thực tiễn. Thứ hai là cán bộ không giải quyết tới nơi tới chốn, chưa hết tinh thần trách nhiệm, vừa thiếu năng lực lại không có tâm.

 

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc xem xét, xử lý người có liên quan trong vấn để giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất hiếm hoi. Cán bộ sai phạm rất nhiều nhưng chẳng ai xử lý. Thậm chí khiển trách còn không có, huống chi là kỷ luật. Khi nào giải quyết được vấn đề sai phạm của cán bộ thì sẽ nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

“Người dân bức xúc đi khiếu kiện, trong khi cơ quan nhà nước thì thờ ơ. Hơn 2 năm rồi, hầu như tôi chưa thấy cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện nào bị kỷ luật về việc vi phạm Luật khiếu nại, tố cáo”, ông Cương nhấn mạnh.
 
Quốc Anh