1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Cán bộ huyện nghèo cũng không muốn... thoát nghèo!

(Dân trí) - Trong 2 năm 2014-2015, mỗi năm tỉnh Quảng Nam giảm từ 2,5-3% hộ nghèo. Tuy nhiên, theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo, kể cả cán bộ...

Ngày 24/2, tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo sơ kết về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn trong 2 năm 2014-2015 và các giải pháp giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Tỉnh Quảng Nam sơ kết 2 năm triểm khai công tác giảm nghèo
Tỉnh Quảng Nam sơ kết 2 năm triểm khai công tác giảm nghèo

Trong 2 năm qua, để giảm nghèo bền vững từ 2,5-3%, tỉnh Quảng Nam đã huy động và đầu tư trên 3.255 tỉ đồng để thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chiếm 85% (tương ứng 2.806 tỉ đồng), ngân sách tỉnh 325 tỉ đồng (chiếm 11%) và nguồn vận động quỹ “Ngày vì người nghèo” các cấp, doanh nghiệp, cá nhân... đạt trên 124 tỉ đồng.

Trên cơ sở nguồn lực đã huy động và bố trí kịp thời, các ngành và địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các chế độ, chính sách giảm nghèo của Trung ương và địa phương đã ban hành.

Theo đó, toàn tỉnh đã thực hiện cho gần 60 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với gần 1.500 tỉ đồng, cấp trên 381 ngàn thẻ BHYT cho người nghèo với kinh phí trên 108 tỉ đồng, cấp trên 125 tỉ đồng để thực hiện cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên...

Đánh giá mặt tích cực của công tác giảm nghèo trên địa bàn, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho rằng, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, được các cấp ủy Đảng, đoàn thể, mặt trận và người dân đồng tình nên công tác thực hiện gặp nhiều thuận lợi, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững.

Dù đã có nhiều thành tích trong công tác xóa đói giảm nghèo nhưng Quảng Nam đã tăng từ 78 xã lên 104 xã nghèo
Dù đã có nhiều thành tích trong công tác xóa đói giảm nghèo nhưng Quảng Nam đã tăng từ 78 xã lên 104 xã nghèo

Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo được trung ương và tỉnh ban hành được các ngành và địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bên cạnh những mặt tích cực của công tác giảm nghèo trên địa bàn, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng, mặc dù miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã được quan tâm và tập trung đầu tư nhưng tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (cao hơn đồng bằng 8 lần), số xã nghèo toàn tỉnh không giảm và tăng hơn so với năm 2010.

Một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo đầu tư chưa hiệu qua, còn dàn trải, chồng chéo, trùng lặp chế độ, đối tượng trên cùng một địa bàn, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân, mức hỗ trợ thấp, hiệu quả chưa cao, bố trí nguồn lực chưa hợp lý, lồng ghép hoạt động giữa chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình khác chưa gắn kết, đồng bộ...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp, nhất là đối với miền núi, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, thôn, xã và huyện nghèo đã làm mất đi động lực phấn đấu, tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo, kể cả cán bộ, chính quyền địa phương nhất là miền núi, dân tộc thiểu số...

“Một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số chưa chịu khó làm ăn, không mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, tâm lý ngại xa nhà, xa quê để học nghề, tìm kiếm việc làm, đi xuất khẩu lao động; tư tưởng tự thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, nhà nước và xã hội trong phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững”, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là do chính quyền và một bộ phận hộ nghèo trong công tác giảm nghèo chưa sâu sắc, còn tư duy thụ hưởng chính sách, thiếu ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo...

Bên cạnh đó là vai trò của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân và cán bộ đảng viên chưa thật sự phát huy, thiếu tiên phong và tích cực trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp giảm nghèo; nhất là công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tự ý thức trách nhiệm đăng ký phấn đấu thoát nghèo để từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước từ các chính sách giảm nghèo, sự thiếu phù hợp trong ban hanh tổ chức thực hiện một số chính sách, dự án giảm nghèo...

Công Bính