1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cán bộ Hà Nội than khó “tải” công việc do thiếu hàng vạn biên chế

(Dân trí) - Tính đến tháng 7/2018, TP Hà Nội thiếu tới 22.044 công chức, viên chức, so với biên chế được giao. Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, điều này làm cho nhiều cơ quan, đơn vị gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

Chi 63 tỷ đồng tinh giản 695 biên chế

Ngày 6/8, tại buổi làm việc với Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, ông Trần Huy Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, TP hiện có 53 cơ quan hành chính, 2.634 đơn vị sự nghiệp, 60 tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước. Số lượng đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội gấp nhiều lần so với một số tỉnh thành (gấp 4 lần Bắc Ninh).

Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội
Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế. Cụ thể, chưa xác định tỷ lệ tinh giản từng năm để đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế.

Tính đến tháng 8/2018, TP Hà Nội cũng đã phê duyệt 12 đợt tinh giản biên chế theo Nghị định 108 với tổng số 695 người, tổng kinh phí là hơn 63 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho biết, tính đến tháng 7/2018, trên địa bàn TP còn thiếu 22.044 (so với biên chế được giao) công chức, viên chức. Trong đó, thiếu 856 công chức, 19.953 viên chức, 1.235 công chức cấp xã.

“Số thiếu này là rất lớn, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, công chức cấp xã. Nếu không có chủ trương cho tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao”, ông Sáng nói và cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ một số cơ quan vẫn dùng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn.

Cán bộ, công chức không tải nổi công việc

Cho ý kiến tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh – Trưởng phòng Nội vụ (huyện Hoài Đức) nói: “Với số cán bộ, công chức hiện nay thì không thể nào tải được khối lượng công việc rất lớn. Để thực hiện công việc của huyện chuẩn bị lên quận thì thực sự rất khó khăn”.

Bà Vĩnh cho biết, chỉ tiêu công chức huyện Hoài Đức là 118 biên chế, nhưng hiện còn thiếu 10 người. Còn số công chức cấp xã ở Hoài Đức hiện thiếu 25 người ở tất cả các chức danh như tài chính - kế toán, văn hóa - xã hội, đại chính…

Về giáo dục, trên địa bàn huyện Hoài Đức cũng thiếu hơn 400 biên chế ở cả 3 cấp học. Để đảm bảo công việc, nhiều trường tuyển giáo viên hợp đồng, nhưng hết năm học thì hết hợp đồng. “Hết năm học, giáo viên ấy lại phải nghỉ ở nhà. Họ lại thấp thỏm, lo lắng không biết năm tới có được ký nữa hay không”, bà Vĩnh nói.

Theo bà Vĩnh việc ký hợp đồng năm một như vậy khiến nhiều giáo viên không yên tâm công tác, đã ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Cùng vấn đề trên, bà Đỗ Thị Lan Hương – Trưởng phòng Nội vụ (Thị xã Sơn Tây) việc thiếu công chức, giáo viên gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các cơ quan hành chính và trường lớp. “Giao biên chế hàng năm, nhưng nhiều năm không thi tuyển dẫn đến thiếu người thực hiện nhiệm vụ được giao”, bà Hương nói.

Ông Tạ Quang Ngải – Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ) cho biết, nhu cầu tuyển dụng công chức của TP là rất lớn. Bởi từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội chỉ “tổ chức những đợt tuyển dụng nhỏ”, nên còn thiếu so với biên chế được giao.

Do vậy, ông Ngải đề nghị Thành ủy Hà Nội, HĐND, UBND TP cho phép tuyển dụng công chức, viên chức để đủ số lượng cán bộ đảm đương công việc được giao. Ông Ngải cũng đề nghị cho phép tuyển dụng công chức cấp xã trong 1000 người thuộc đề án thí điểm đào tạo công chức nguồn làm việc tại cấp xã, phường, thị trấn.

Quang Phong