Thừa Thiên - Huế:

Cán bộ “giúp” dân kê khai khống đền bù

(Dân trí) - Trong quá trình kê khai tài sản để nhận tiền đền bù dự án tuyến đường điện 110KV (công trình thủy điện Bình Điền, Thừa Thiên - Huế), Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) đã “giúp” dân kê khai khống gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Những con số “ma”

Ngày 24/8/2008, PV Dân trí nhận được đơn thư của bạn đọc phản ánh sự việc Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) công trình thủy lợi Bình Điền “thông đồng với các hộ dân bị thiệt hại kê khai thêm tài sản cây cối để nhận tiền chênh lệch chia nhau”, sự việc xảy ra ở xã Hương Thọ (huyện Hương Trà).

PV đã tiến hành điều tra và được biết: Trong thời gian từ cuối năm 2007 đến nửa đầu năm 2008, để phục vụ cho việc xây dựng tuyến đường điện 110 KV thuộc công trình thủy điện Bình Điền, Ban GPMB của công trình do ông Nguyễn Xuân Ty, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Trà làm Trưởng ban, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Phó chủ tịch 3 UBND xã và đại diện công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền đã tiến hành kê khai thiệt hại, bồi thường cho các đơn vị và người dân có đất và tài sản thuộc diện giải phóng của công trình ở 3 xã Bình Điền, Bình Thành và Hương Thọ.

Ở xã Hương Thọ, việc làm này đã hoàn tất cơ bản từ tháng 3/2008 và đến ngày 28/5/2008 các hộ gia đình được nhận 70% trong tổng số tiền đền bù theo kê khai là 1,36 tỷ đồng (đã nhận 952,5 triệu), số còn lại sẽ được giải ngân sau khi có phê duyệt chính thức của tỉnh. Việc này cũng được tiến hành ở các xã Bình Điền và Bình Thành.

Tuy nhiên, quá trình kê khai này ở xã Hương Thọ đã bị đặt nhiều dấu hỏi về tính minh bạch. Mới đây, Huyện ủy Hương Trà nhận được 1 đơn tố cáo không ký tên phản ánh việc Ban GPMB cấu kết với một số hộ dân khai khống tài sản để hưởng chênh lệch. Theo yêu cầu của Huyện ủy, ngày 10/7/2008 Đảng ủy xã Hương Thọ đã thành lập đoàn kiểm tra để thẩm định công tác kê khai.

Do năng lực hạn chế (do chính đoàn kiểm tra thừa nhận), đoàn chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 7/39 đơn vị, hộ gia đình. Tuy nhiên, kết quả này đã cho thấy sự chênh lệch khổng lồ, tính ra số tiền đền bù chênh lệch do khai khống đã lên tới trên 257 triệu đồng.

Hình thức khai khống điển hình nhất là khai khống số lượng cây và khai khống đường kính thân từ dưới 7 cm thành trên 7 cm. Đơn cử: hộ bà Hồ Thị Thuận (Khu Định cư) từ 505 cây (trong đó có 100 cây đường kính dưới 7 cm) đã được “trồng thêm và làm to ra” thành 1010 cây trên 7 cm, khiến mức đền bù tăng từ 19 triệu lên tới 43,5 triệu, gây thiệt hại cho Nhà nước 24 triệu đồng. Tình trạng tương tự xảy ra với hộ ông Võ Văn Vinh (từ 23 triệu lên 50,3 triệu).

Nhưng “trắng trợn” hơn cả là trường hợp hộ ông Nguyễn Thắng (thôn Liên Bằng), khi toàn bộ 1013 cây dưới 7 cm của ông được “hô biến” thành 1580 cây trên 7 cm, khiến ngân sách đền bù phải “còng lưng” chịu thiệt tới 51,8 triệu đồng. Ông Tống Văn Dũng A (thôn Hải Cát 1) cũng “hạnh phúc” không kém khi 48 cây đủ kích cỡ của ông được kê khai thành… 950 cây  lớn hơn 7 cm!

Có dấu hiệu cấu kết bòn rút tiền Nhà nước

Sau khi nắm bắt thông tin, PV Dân trí đã tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Ty (trưởng ban GPMB) được biết, lực lượng đi kiểm kê thực tế hầu hết là cán bộ Công ty cổ phần thủy điện Bình Điền, còn cán bộ xã Hương Thọ (cụ thể là ông Lê Văn Chúng, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Lê Đình Dậu, cán bộ địa chính) hầu hết chỉ… ký. Theo ông đây là bài học cần rút kinh nghiệm để lần sau “cán bộ ký là phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý”!

Trước thông tin cho rằng cán bộ kê khai đã cấu kết với người dân để khai khống và sau khi sự việc bị lộ, “cán bộ dự án” đã đến một số hộ dân để thu lại tiền chênh lệch, ông Ty cũng tỏ ra hoài nghi: “Không loại trừ khả năng có sự cấu kết, cố ý khai khống để hưởng chênh lệch. Nếu làm rõ được có vụ lợi ăn chia, sẽ căn cứ mức độ sai phạm mà xử lý. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể truy tố trước pháp luật”.

Tuy nhiên, việc tiến hành thẩm tra chưa được quyết liệt như vậy. Ông Ty nói rằng, có thể kiểm tra hoặc không cần kiểm tra các hộ còn lại, mặc dù 7 hộ được kiểm tra đều khai khống. Giải thích cho việc đặt “giả thiết có thể” này, ông Ty cho rằng 7 hộ được kiểm tra này là do có thông tin chỉ đích danh họ. Nhưng trong khi đó, biên bản kiểm tra và các báo cáo liên quan đều có câu “kiểm tra ngẫu nhiên 7 hộ”.

Được biết, hiện UBND huyện vẫn ngồi chờ báo cáo của UBND xã, thay vì trực tiếp thanh kiểm tra toàn bộ các hộ được đền bù ở cả 3 xã Hương Thọ, Bình Điền, Bình Thành để phát hiện (những) “hộ thứ 8” trước khi UBND tỉnh phê duyệt chính thức và giải ngân 30% còn lại.

Ngày 21/7, Thường vụ Đảng ủy xã Hương Thọ đã có báo cáo lên Huyện ủy và UBKT huyện Hương Trà về kết quả kiểm tra này, nhưng sau đó Huyện ủy lại chỉ đạo UBND huyện gửi công văn 688/UBND-NC (ngày 28/8) yêu cầu UBND xã kiểm tra xác minh nội dung đơn tố cáo để… báo cáo lại UBND huyện trước ngày 12/9.

Theo ông Ty, sau khi có báo cáo này, UBND huyện sẽ lại xin ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, xem xét, lấy ý kiến của các cơ quan tham mưu... rồi mới đi đến quyết định có tiếp tục tìm hiểu hay không, có cần đến Thanh tra hay Công an vào cuộc hay không.

Nhưng có một thực tế mà ông Ty cũng thừa nhận là lực lượng thanh tra của huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay, nghiệp vụ lại hạn chế nên khó tìm hiểu được hết ngọn ngành về việc có hay không sự cấu kết giữa các bên để “ăn” tiền đền bù của Nhà nước.

Mặt khác, huyện đã có buổi làm việc với công ty cổ phần thủy điện Bình Điền và được công ty này đề nghị cho “khắc phục hậu quả” với những thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, cuộc làm việc này không tìm được một con số sai phạm cụ thể, mà theo ông Ty thì vẫn còn phải “nghe ngóng” trong dân để quyết định có cần tiếp tục điều tra hay không!

Về trách nhiệm của ông Trưởng ban GPMB, ông Ty cho hay hiện nay trên địa bàn huyện có tới 25 dự án có liên quan đến bồi thường GPMB nên không thể sát sao kiểm tra mọi con số. Theo ông, trách nhiệm nếu có ở đây thuộc về những người trực tiếp đi kê khai.

Hồng Kỹ