1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Cán bộ điện lực bị “tố” ăn chặn tiền của dân

(Dân trí) - Cho rằng việc thu phí tiền di dời đồng hồ điện là sai quy định, nhiều hộ dân nghèo ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã đồng loạt “tố” cán bộ ngành điện lực huyện này ăn chặn tiền của dân.

Thu tiền kiểu “lập lờ”, không có hóa đơn

Năm 2012, điện lực huyện Minh Hóa đã lắp đặt thêm nhiều tuyến đường dây điện ở nhiều địa phương, trong đó có xã Hóa Hợp. Theo phản ảnh của một số người dân thôn Tân Tiến, xã Hóa Hợp, sau khi kéo xong đường dây điện, cán bộ điện lực đến di dời đồng hồ của họ từ cột điện cũ ở xa đến cột điện mới gần nhà; sau đó cán bộ ngành điện lực huyện này thu 200 ngàn đồng/đồng hồ điện.
 
Cán bộ điện lực bị “tố” ăn chặn tiền của dân?
Để di dời những chiếc đồng hồ như thế này sang vị trí mới, cán bộ ngành điện lực đã thu của người dân 200 ngàn đồng
 
Ông Đ.H.D., một người dân xã Hóa Sơn, cho biết: “Hôm trước, cán bộ điện lực đến di dời đồng hồ điện cho gia đình tôi. Làm xong, họ “đòi” của tui 200 ngàn đồng, nhưng không có một văn bản hay hóa đơn thu tiền nào. Thấy họ nằng nặc “đòi” cho bằng được nên tui cũng phải đưa chứ biết mần răng”.

Còn anh Đ.M.H., lại phản ánh, gia đình anh muốn di dời đồng hồ để tránh lượng điện thất thoát nhưng được cán bộ điện lực trả lời là không có vỏ bọc đồng hồ nên không mắc. Sau khi anh H. thuyết phục, mấy anh cán bộ điện lực hẹn sẽ lắp lại đồng hồ cho gia đình anh nhưng phải trả 800 ngàn đồng.

“Đó là tiền dân bồi dưỡng cho anh em thôi?”

Để hiểu rõ hơn về vụ việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lương Duy Hoằng, Giám đốc Điện lực huyện Minh Hóa. Tại buổi làm việc, ông Hoằng cho rằng cán bộ điện lực không hề thu tiền di dời đồng hồ của người dân mà chỉ thu tiền thu hồi đường dây điện theo sự thỏa thuận giữa hai bên. “Tôi nghĩ nếu có thu thì đó cũng chỉ tiền dân bồi dưỡng cho anh em thôi” (!).
 
Ông Hoằng cho rằng, đó chỉ là tiền bồi dưỡng cho anh em
Ông Hoằng cho rằng, đó chỉ là tiền bồi dưỡng cho anh em

Ông Hoằng còn cho biết thêm, theo quy định của nhà nước, sau khi lắp đường dây mới, ngành điện lực có trách nhiệm di dời đồng hồ điện của người dân đến vị trí gần nhất nhưng không được thu một khoản tiền nào. Trừ trường hợp người dân muốn chuyển nhà, hay thay đổi vị trí của đồng hồ. Trong trường hợp này, nếu ngành điện lực phát hiện cán bộ thu tiền di dời đồng hồ của dân thì sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.

Sau cuộc làm việc giữa phóng viên với ông Lương Duy Hoằng đúng một ngày, ông Đ.H.D. đã điện thoại báo tin cho phóng viên biết, cán bộ điện lực vừa đến nhà nhờ ông viết một giấy bảo lãnh với nội dung: việc thu tiền 200 ngàn đồng là do phía gia đình và thợ điện thỏa thuận. Tuy nhiên ông D. nhất quyết không viết.

Vụ việc còn nhiều điều khuất tất, 200 nghìn đồng không phải là khoản tiền lớn nhưng với người dân nghèo xã Hóa Hợp cũng không hề nhỏ. Khoản tiền đó chui vào túi ai, rất cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Đặng Tài - Đăng Đức