Cán bộ, công chức trúng đấu giá biển số ô tô có phải kê khai tài sản?
(Dân trí) - "Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản mà trúng đấu giá biển số xe ô tô với giá trị trên 50 triệu đồng có phải kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng?".
Ngày 7/11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) kiến nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định về những trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký biển số ô tô đã đấu giá do nguyên nhân khách quan, nguyên nhân bất khả kháng khiến người trúng đấu giá không thể tiến hành các thủ tục đăng ký xe ô tô trong thời gian 12 tháng.
"Thực tế cũng đặt ra tình huống là chiếc xe ô tô của người chủ sở hữu biển số đã đấu giá gắn kèm theo ô tô đó bị mất cắp, không tìm được lại hoặc gặp tai nạn, rủi ro hư hỏng không thể sửa chữa, cải tạo để tiếp tục lưu hành thì được phép đề nghị cấp lại biển số và được sử dụng biển số đó đăng ký cho một xe ô tô khác thuộc quyền sở hữu của mình", bà Mào nói và kiến nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về việc này.
Theo đại biểu tỉnh Yên Bái, biển số trúng đấu giá được xác định là một tài sản cố định, được phép giao dịch dưới hình thức chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế kèm theo xe ô tô đang đăng ký biển số đó. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết còn thiếu các quy định liên quan đến việc xác định giá trị tài sản, mức thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ khi chủ sở hữu thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế đối với tài sản đặc thù.
"Tôi cho rằng, thực tiễn thời gian tới có thể xảy ra trường hợp giá trúng đấu giá của biển số xe ô tô cao hơn giá trị của chiếc xe đang đăng ký biển số đó khi thực hiện chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế. Do vậy, tôi kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc định giá để xác định mức thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi có sự chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá kèm theo xe ô tô đang đăng ký biển số đó", đại biểu nêu.
Đáng chú ý, qua tiếp xúc thực tế với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bà Mào cho biết có nhiều ý kiến băn khoăn.
"Trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản mà trúng đấu giá biển số xe ô tô với giá trị trên 50 triệu đồng có phải thực hiện việc kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hay không? Bởi quy định của luật hiện hành là tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai. Trong khi đó, giá khởi điểm của việc đấu giá biển số xe ô tô đã ở mức 40 triệu đồng", bà Mào nêu thắc mắc.
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phản ánh, do biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản nên có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng.
"Để đảm bảo công bằng xã hội, tránh các hành vi lợi dụng, trục lợi khi kê khai tài sản, kê khai lệ phí trước bạ khi đăng ký xe, kê khai thu nhập của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thì cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá vào thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe", ông Thịnh phân tích.
Hiện nay Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 và Nghị định số 10 năm 2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ chưa có 2 đối tượng thu nhập và tài sản này.
"Vì vậy, đề nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu xem xét, bổ sung quy định này vào trong nội dung nghị quyết và nghị định. Nội dung này cũng giống như ý kiến đại biểu Khang Thị Mào", ông Thịnh cho hay.
Dự kiến, chiều 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.