Cán bộ bị trộm tiền “khủng”: Phải giải mối ngờ!
Khi người dân nghi ngờ nhiều về nguồn gốc tài sản bị trộm và lộ dấu hiệu bất minh thì các cơ quan nên vào cuộc xác minh, trả lời cho dân được rõ.
Trước các thông tin nhiều vị lãnh đạo ở các địa phương mất trộm số tài sản “khủng”, dư luận đã đặt ra nhiều dấu hỏi lớn về nguồn gốc khối tàn sản ấy từ đâu có. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và Khoa học chính trị, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
Chỉ tìm thủ phạm, không tìm nguồn gốc!
TS Hồ Bá Thâm
Phóng viên: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ mất cắp tài sản của quan chức, làm lộ ra những khoản tài sản “khủng” khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngờ về nguồn gốc tài sản ấy là không “sạch”. Theo ông, vì sao dân lại có xu hướng nghi ngờ như thế?
TS Hồ Bá Thâm: Trong tình hình hiện nay, những tham nhũng nhỏ hơn, tham nhũng vặt trở nên phổ biến thì từ những vụ mất trộm tiền tỉ của cán bộ lãnh đạo chính quyền khiến người dân nghi ngờ tiền đó do bất chính, tiêu cực, tiền do tham nhũng mà có cũng là điều không quá khó hiểu. Tất nhiên điều đó không phải là tuyệt đối đúng 100% nhưng nghi ngờ ấy là có căn cứ, vì người dân so sánh tiền lương và thu nhập thêm thì số tiền dư bị mất trộm lớn như vậy rất mâu thuẫn. Thậm chí có vị lãnh đạo kê khai năm lượng vàng nhưng đến khi mất hàng chục lượng vàng. Vậy số vàng chênh lệch là ở đâu ra? Đó là một sự không minh bạch.
Trước vấn đề này, các cơ quan có trách nhiệm cần có những xử trí và hành động cụ thể gì để hạn chế thấp nhất ngờ vực từ dư luận?
Trước những câu hỏi nghi ngờ của người dân, tôi cho rằng các cấp lãnh đạo nên quan tâm và cũng cần làm sáng tỏ để cho dân biết nguồn gốc thật sự của số tiền đó. Có như vậy mới là dân chủ, minh bạch, công khai và dân mới tin vào bộ máy công quyền của dân, do dân và vì dân như chúng ta đã nói.
Và sự buông lỏng trong việc vào cuộc xác minh nguồn gốc tài sản này sẽ càng làm cho dư luận thêm nghi ngờ?
Hiện nay, trung ương quan tâm đến những vụ án lớn thật sự nghiêm trọng nhưng nếu không quan tâm xử lý những vụ tài sản “khủng” như thế thì người dân không yên, họ sẽ suy luận không tốt, tạo tâm lý mất niềm tin. Một khi nó thẩm thấu vào quần chúng rồi thì phức tạp lắm.
Vì vậy những vụ mất trộm như thế, phải điều tra và lý giải cho được tiền ở đâu ra, biết đâu đó lại là đầu mối để phát hiện ra những hành vi không chính đáng, hành vi tiêu cực của người đó. Quan trọng nhất, ngay bây giờ phải lấy một vài vụ cụ thể để điều tra làm rõ nguồn gốc số tiền đó thì sẽ làm sáng tỏ được nhiều vấn đề.
Công khai bản kê khai nếu có dấu hiệu bất minh
Hiện nay, vấn đề công khai bản kê khai tài sản vẫn chỉ ở mức nội bộ. Đối với những vụ cán bộ lãnh đạo mất trộm lượng tài sản lớn khiến dư luận hoài nghi nguồn gốc số tiền đó có dấu hiệu bất minh, theo ông có nên công khai bản kê khai tài sản để người dân đối chiếu?
Rất cần thiết phải công khai bản kê khai tài sản của vị lãnh đạo mất trộm nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường. Đó cũng là ý nguyện của người dân và cũng là một giải pháp để tạo niềm tin của người dân với cơ quan công quyền.
Chúng ta phải dần tiến tới giải pháp công khai tài sản cho dân biết, không chỉ công khai trong cơ quan, trong nội bộ mà phải công khai ở khu dân cư nơi anh đang sinh sống, thậm chí công khai trên báo chí. Một số nước công khai trên Internet, đó là điều hợp lý, hợp tình nhất. Ở Việt Nam, có thể công khai từng bước, thực hiện dần dần (nhưng không được lấy cớ đó để lần lữa mãi), anh muốn thanh minh tiền trong sạch, chính đáng thì anh công khai ra tới nơi tới chốn.
Nhiều lần các cơ quan quản lý nhà nước nói đến việc giám sát tài sản cán bộ nhưng chưa bao giờ chúng ta đưa ra được các biện pháp có tính chất căn bản, căn cơ, nhất là quản lý thu nhập. Đâu là giải pháp căn cơ, thưa ông?
Giải pháp căn cơ lúc này là phải kê khai tài sản và công khai hóa thực chất và quan trọng hơn là có giám sát thực chất. Công khai hóa là một cách để kiểm soát, vì kiểm soát nội bộ rất khó, ai cũng thế thôi “lấy đá ghè chân mình” bao giờ cũng khó bởi vì bị ràng buộc bởi lợi ích, tâm lý đủ thứ.
Vấn đề công khai, minh bạch là một nguyên tắc “sống”, một nguyên tắc của một thể chế dân chủ tiến bộ, văn minh và cũng là một mục tiêu, yêu cầu mà nước ta đặt ra trong quá trình hội nhập. Phải có sự thống nhất từ trong Đảng cho đến các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương để làm việc này, phải bằng hành động cụ thể chứ chỉ nói miệng thôi thì khó mà thành công. Tất nhiên vấn đề này cũng có “cái tế nhị” nhưng nếu không vì lợi ích xã hội mà vì lợi ích cá nhân, anh lờ đi hoặc làm cho có thì càng gây thêm tổn thất lớn cho xã hội.
Xin cảm ơn ông.
Phải giám sát chặt việc kê khai, minh bạch tài sản
Chúng ta thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản nhưng vấn đề rất quan trọng đặt ra là ai giám sát. Cơ chế giám sát kiểm soát của chúng ta còn yếu và thiếu, hoặc có mà không giám sát được. Muốn giám sát có hiệu quả phải hình thành một cơ chế sao cho người dân và các tổ chức xã hội được quyền tham gia một giám sát thực sự; các tổ chức trong hệ thống cơ quan nhà nước giám sát lẫn nhau, tổ chức Đảng kiểm soát, giám sát.
TS HỒ BÁ THÂM |
Theo Tá Lâm
Pháp luật TPHCM