Cần ban hành nghị quyết mới về công tác thanh niên

Gia Đoàn

(Dân trí) - Trước tình hình trong nước và thế giới thay đổi, khoa học công nghệ thay đổi, tư duy thay đổi, cần ban hành Nghị quyết mới về công tác thanh niên, theo Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.

Chiều 27/8, Đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và 10 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH.

Cần ban hành nghị quyết mới về công tác thanh niên - 1

Đoàn khảo sát do Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ làm trưởng đoàn làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH, chiều 27/8 (Ảnh: Tống Giáp).

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ và Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH.

Nhiều điểm sáng trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản để cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết số 25. Hệ thống pháp luật về GDNN ngày càng hoàn thiện, tác động tích cực đến các hoạt động từ quản lý nhà nước vĩ mô đến cơ sở GDNN.

Theo báo cáo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phát triển rộng khắp. Ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực GDNN đa dạng, phong phú, với 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, bao phủ mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn 2021-2023, số lượng tuyển mới trình độ cao đẳng, trung cấp là gần 1,2 triệu người. Số tốt nghiệp là gần 900.000 người. Cả nước có trên 9 triệu lao động nông thôn được học nghề (đạt 91% kế hoạch), trong đó gần 5,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án, đạt 73,5% kế hoạch.

Tuy vậy, Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, dù quy mô đào tạo tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.

Cần ban hành nghị quyết mới về công tác thanh niên - 2

Mỗi năm, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động (Ảnh: Gia Đoàn).

Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 40,8%, khu vực nông thôn đạt 16,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở khu vực thành thị đạt 39,9%, trong khi ở khu vực nông thôn đạt 16,3%. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu người học theo từng vùng, miền, địa phương.

Đối với công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn từ 2011-2020, mỗi năm, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động. Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ không giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chỉ tiêu này.

Những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Giai đoạn 2016-2022, bình quân hàng năm, cả nước đưa được trên 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) thuộc ngành LĐ-TB&XH và Trung ương Đoàn thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, trong giải quyết việc làm cho thanh niên còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Trong đó, hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên.

Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự là được cấp thẻ học nghề, còn đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện chưa được cấp thẻ, đồng thời các đối tượng này chưa được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Đề xuất ban hành nghị quyết mới về thanh niên

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, những ý kiến đóng góp của thành viên trong đoàn khảo sát cũng góp phần giúp Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận và đánh giá lại toàn bộ những nhiệm vụ đã thực hiện trong suốt giai đoạn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của từng thành viên trong đoàn khảo sát để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại.

Cần ban hành nghị quyết mới về công tác thanh niên - 3

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Tống Giáp).

Đồng thời, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cơ quan trung ương trong triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận về công tác thanh niên trong thời gian tới.

Cùng với đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng có kiến nghị đến Đoàn khảo sát báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 25-NQ/TW để phù hợp bối cảnh phát triển của xã hội hiện nay.

Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, trưởng đoàn công tác đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, đầy đủ trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Những ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH đưa ra sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm. 

Về một số đề xuất, kiến nghị của thành viên đoàn khảo sát liên quan đến vấn đề lao động, việc làm của thanh niên hiện nay, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị, Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu và có sự điều chỉnh để góp ý vào báo cáo chung của ban chỉ đạo đạt kết quả tốt.

Cần ban hành nghị quyết mới về công tác thanh niên - 4

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu kết luận (Ảnh: Tống Giáp).

"Hiện nay, tình hình trong nước và thế giới thay đổi, khoa học công nghệ thay đổi, tư duy thay đổi, do đó cần ban hành nghị quyết mới về công tác thanh niên.

Tuy nhiên, để ban hành được nghị quyết mới, cần có những báo cáo, đánh giá cụ thể từ các đoàn khảo sát, các cơ quan đơn vị có trách nhiệm tham gia.

Thời gian tới, trong khi chờ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại các văn bản liên quan đến công tác này để bổ sung ý kiến cho nghị quyết mới ưu việt hơn", Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nói.