1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cảm xúc ngày Độc lập!

Tết Độc lập không chỉ là ngày nhà nhà treo cờ Tổ quốc. Không chỉ là một quãng nghỉ giữa cuộc sống và công việc bộn bề. Đó còn là một khoảnh khắc thiêng liêng ngoái nhìn quá khứ, chiêm nghiệm những giá trị của độc lập, chủ quyền dân tộc...

Những ngày này, lá cờ tổ quốc đỏ rực trên mọi trang nhật ký cá nhân của cộng đồng blogger Việt. Lại nhớ, dòng chữ: “Là người Việt Nam: hãy chào cờ vào sáng thứ hai”, tưởng như một nghi thức, nay đã thực sự thành một phong trào xuất phát từ trái tim.

 

Cô học trò lớp 10 không thể nào quên buổi chào cờ đầu tiên thiêng liêng như lời hứa làm người tốt. Anh du học sinh rơi nước mắt trong buổi chào cờ đầu tiên trên đất khách. Mỗi bình minh, quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lại rực sáng và rất đông bà con trên mọi miền đất nước quần tụ. Họ đến để cùng hát theo bản quốc ca trầm hùng vang dội và nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay.

 

Những người Việt 7X, 8X ấy, sinh trưởng trong thời bình, có thể không đủ trải nghiệm quá khứ để cảm nhận hết cảm xúc lớn lao của ngày Độc lập 2/9, cách đây 62 năm, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh “trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 

Nhưng cho dù không có những trải nghiệm tự thân, thì mỗi người trẻ bằng những cách kỷ niệm ấy đang cho thấy tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc của mình.

 

Không cần những lời lẽ “đao to búa lớn” hay những khẩu hiệu mang tính hô hào, ngày Độc lập của mỗi người Việt Nam là khoảnh khắc lắng lại cần thiết để chiêm nghiệm bằng chính tình cảm và tư duy cá nhân về giá trị thiêng liêng của ba từ: Độc lập, Tự do và Chủ quyền dân tộc. Một dân tộc độc lập để tự quyết định lấy vận mệnh của mình mà không bị phụ thuộc vào kẻ khác. Một dân tộc tự do khi các công dân được quyền lựa chọn. Và một đất nước có chủ quyền trong cộng đồng thế giới, được đảm bảo bằng quyền toàn vẹn lãnh thổ, không ai được xâm phạm.

 

62 năm qua, độc lập, tự do, chủ quyền là những giá trị mà dân tộc ta đã không ngừng theo đuổi và vươn tới. Những giá trị mang tính nhân loại ấy đã được đánh đổi bằng sự hi sinh tuổi trẻ, hạnh phúc và sinh mệnh của hàng triệu triệu người con ưu tú. Trong 62 năm ấy, dân tộc này đã mất đến 30 năm cho những chiến cuộc tàn khốc để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền dân tộc, mất 10 năm bị bao vây, cô lập và chỉ mới có 20 năm để xây dựng đất nước từ vị thế đói nghèo, lạc hậu hàng đầu thế giới!

 

Trong hai mươi năm vẻn vẹn ấy, chúng ta đã làm được nhiều thứ, đã đưa được Việt Nam thoát ra khỏi thân phận một nước “đói ăn từng bữa”, đã bắt đầu xác lập được một vị thế không nhỏ trong khu vực, đã dần được bạn bè, quốc tế xem trọng.

 

Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, Việt Nam vẫn là một trong những nước kém phát triển nhất trên thế giới, bị xếp vào hàng ngũ “công dân thế giới hạng hai”.

 

Khi một quốc gia đóng vai trò công dân thế giới hạng hai, có nghĩa là trong cộng đồng quốc tế, quốc gia này lép vế và phụ thuộc vào thế giới bên ngoài trên nhiều phương diện, tiếng nói của nó ít được lắng nghe, vai trò của nó trong cộng đồng quốc tế thường mờ nhạt - mặc dầu về pháp lý nó là nước độc lập, có chủ quyền, bình đẳng với mọi quốc gia khác.

 

Trong một thế giới toàn cầu hoá, khi chủ nghĩa nước lớn ngày càng có nhiều hình dạng mới, khi những hành động xâm phạm chủ quyền dân tộc ngày càng trở nên tinh vi hơn, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và độc lập toàn vẹn (về cả lãnh thổ cũng như về tinh thần) của một quốc gia nhỏ, yếu vì thế phải đối mặt với những khó khăn khôn lường.

 

Yếu thực lực thì luôn bị chèn ép, lấn lướt. Yếu thực lực đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi trong mọi tranh chấp. Đó là thực tế hiển nhiên dù vô cùng cay đắng.

 

Chợt nhớ lời tâm sự tha thiết của một nhà lãnh đạo thuộc hàng cấp cao nhất Việt Nam: Muốn thoát khỏi mọi uy hiếp, muốn phát triển được để tồn tại trong thế giới này, muốn bảo vệ được chủ quyền và độc lập dân tộc thực sự, toàn vẹn, nhất thiết dân tộc này phải phấn đấu bằng mọi giá thoát ra khỏi nỗi nhục nghèo, hèn. Đất nước này phải mạnh lên!

 

Đột phá để phát triển, để thoát khỏi thân phận nước nghèo, chính là sứ mệnh lịch sử của những thế hệ ngày hôm nay.

 

Nhưng, muốn vươn tới cái đích đó, đòi hỏi một tầm nhìn xa, một tư duy đúng đắn về tương lai phát triển của đất nước và một bản lĩnh dấn thân thực sự.

 

Treo cờ Tổ quốc, hát vang bài quốc ca, chào cờ sáng thứ hai,... mỗi người có cách riêng của mình để kỷ niệm ngày Độc lập, để thể hiện tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Nhưng sẽ chẳng có cách kỷ niệm nào hơn, bằng sự hun đúc cá nhân đủ mạnh mẽ, đủ bản lĩnh và đủ khát vọng để dấn thân vì Tổ quốc.

 

Theo Minh Anh

VietNamnet