1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Về Hà Tĩnh xem con dấu “giá” 5 triệu đồng:

“Cắm” sổ hưu để “mua” con dấu

(Dân trí) - Vẫn <a href="http://www22.dantri.com.vn/Sukien/2007/1/160314.vip">chuyện con dấu</a>, người dân xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) than trời, sao con dấu xã “đắt đỏ” thế! Không có tiền trăm, tiền triệu thì không có dấu. Ai cần quá thì UBND xã “linh động” cho đặt sổ lương, sổ hưu. Khi nào có tiền đến nộp thì mới được lấy sổ về…

Con “xuất ngoại”, cha mẹ thành “con nợ”

 

Cương Gián được xem là xã có phong trào đi XKLĐ “hùng mạnh” nhất cả nước. Mươi năm lại đây, đời sống của người dân nhờ đó cũng khởi sắc rõ rệt. Nhưng để có được chút khởi sắc đó, người dân cũng phải chịu đủ mọi khốn khó: “ném” tiền, cầm cố nhà cửa, thậm chí “ném” cả đất vào “canh bạc xuất ngoại”.

 

Có người gặp vận may, lấy lại của không lâu. Cũng có người tán gia bại sản, nợ nần chồng chất. Mà nhiều kiểu nợ cũng rất oái oăm: nợ UBND xã tiền đóng dấu cho hồ sơ XKLĐ.

 

Bà Hoàng Thị Toán, 50 tuổi, ở xóm Ngọc Huệ, ấm ức: “Khoảng cuối năm 2001, con tôi là Hoàng Thị Mai, làm hồ sơ đi Hàn Quốc, hợp đồng ghi rõ 3 năm. Nhưng mới được mấy tháng do làm trong không đủ tiền để trả nợ, con tôi ra ngoài làm. Được ít tháng thì bị phát hiện và bị trục xuất về nước. Cũng cuối năm đó con tôi tiếp tục làm hồ sơ xin đi. Lên xã xin con dấu, xã bảo con bà bị phạt 5 triệu đồng.

 

Tôi lo lắm, nghĩ thôi phen này chết rồi. Nhà 8 đứa con, cộng với 2 bố mẹ nữa là 10 người. Lo ăn chưa đủ, chạy vạy kiệt sức mới có tiền đi XKLĐ, giờ xã bắt phạt 5 triệu đồng thì lấy đâu ra. Tôi lên xã xin nợ xã không cho, chạy ra Quỹ tín dụng xã vay thì họ bảo tôi không có tài sản thế chấp nên cũng lắc đầu quầy quậy.

 

May mắn, tôi mượn được ông bác họ quyển sổ hưu. Tôi cầm lên năn nỉ mãi xã mới cho thế chấp để đóng dấu. Khi con đã đi rồi, tôi ở nhà lại loay hoay kiếm tiền trả nợ, rút sổ hưu về cho bác”.

 

Tôi thắc mắc về sự khác nhau giữa các khoản tiền phạt, người bị phạt 5 triệu, có người lại chỉ phải nộp 2,5 triệu, thậm chí ít hơn. Bà Toán giải thích: “Cái đó tuỳ thuộc vào mối quan hệ chú ạ. Thân quen thì ít hơn. Mà kỳ kèo thì bớt một hai trăm cũng được. Có người bị công ty phạt 10 ngàn USD rồi nhưng xã vẫn phạt tiếp”.

 

Tiền răn đe và “xây dựng quê hương”!

 

Bị bắt vạ nhiều tiền, người dân nào cũng hậm hực thắc mắc thì chính quyền xã bảo: Đây là tiền phạt đã vi phạm hợp đồng, phạt để mà răn đe kẻ khác. Đây là quy định do HĐND xã đề ra.

 

Giấy biên nhận đề ngày 16/9/2004 do bà Nguyễn Thị Cúc ở xóm Ngọc Huệ nộp tiền phạt 5 triệu đồng, ở phần lý do ghi: “Có con (em) đã vi phạm hợp đồng lao động xuất khẩu. Nay Ban tài chính xã tạm thu phiếu của ông (bà).... Sau khi con ông bà được đi xuất khẩu thì Ban tài chính xã sẽ thu số tiền mà ông bà đã đóng góp xây dựng quê hương theo quy định của HĐND xã đề ra...”. Giấy này được ký bởi ông Lê Văn Dương - nay là Chủ tịch UBND xã Cương Gián.

 

Chiều ngày 27/12/2006, chúng tôi có mặt tại UBND xã Cương Gián để gặp và làm việc với chính quyền nhưng phòng của tất cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã khép kín. Chúng tôi vào phòng ông Thanh, nguyên Chủ tịch xã, nay là chủ tịch HĐND xã, nhưng ông này nói đang bận họp (?). Tiếp tục lên phòng Bí thư đảng uỷ xã. Chưa kịp bước vào thì cửa phòng chợt khép kín. Bí quá, chúng tôi đành phóng xe lên gặp ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân.

 

Ông Lương khẳng định: “Việc thu tiền đóng con dấu từ 2 đến 5 triệu đồng là không có chủ trương của huyện, huyện hoàn toàn không có quy định. Và việc thu lệ phí đóng con dấu là không đúng. Về tình hình Cương Gián, vừa rồi chúng tôi có nhận được nhiều đơn thư khiếu kiện ở rất nhiều khía cạnh, ngoài việc anh nói thì còn có cả vấn đề cấp đất, quản lý đất đai, rồi tài chính... Hiện huyện đã thành lập một đoàn kiểm tra làm việc chung trong cả huyện làm việc gần hai tháng nay và phấn đấu khoảng trong ngoài Tết Dương lịch sẽ kiên quyết xử lý”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa