1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cấm lạm dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có tới 420 văn bản, 6 bộ luật liên quan đến hộ khẩu. Từ những qui định có tính lạm dụng này, nhiều đại biểu đề nghị đưa vào luật qui định: “Cấm lạm dụng hộ khẩu vào các việc khác ngoài việc quản lý cư trú”.

Phi lý và nực cười

 

“Tôi có biết một trường hợp thuộc diện KT3 bị chết đột tử nhưng không thể làm thủ tục khai tử vì không có hộ khẩu. Và vì không thể làm thủ tục khai tử nên không thể mang đi chôn. Điều này khiến gia đình và ngay cả công an cũng bối rối không biết xử lý thế nào”, Đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TPHCM dẫn một câu chuyện về hộ khẩu mà theo ông là “phi lý và nực cười”.

 

Những bất cập về qui định về hộ khẩu hiện nay theo ông Phan Anh Minh thì không chỉ làm khổ cho người dân mà cho cả người thực hiện pháp luật: “Tôi không ít lần áy náy khi không duyệt đăng ký thường trú cho những trường hợp mà biết chắc rằng con em họ sẽ gặp khó khăn trong việc học tập hay khám chữa bệnh và họ cũng sẽ không đi đâu, vẫn ở trong thành phố”.

 

Một số ý kiến đại biểu yêu cầu cần rà soát kỹ các văn bản có qui định “ăn theo” hộ khẩu và phải có chế tài đủ mạnh cho những hành vi lợi dụng hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Trong dự thảo luật có quy định cấm lạm dụng hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Quốc Trung (Bình Thuận) thì cụm từ “lạm dụng” là rất khó định lượng, cần phải qui định rõ ràng: “Cấm sử dụng hộ khẩu vào các việc khác ngoài việc quản lý cư trú”.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc yêu cầu cần làm rõ quyền tự do cư trú của công dân và đưa ra một con số “khủng khiếp” về những qui định “ăn theo” hộ khẩu: “Theo con số thống kê của Bộ Công an, có 420 văn bản liên quan đến hộ khẩu và 6 luật có những điều khoản liên quan đến hộ khẩu”.

 

Cũng theo đại biểu Lộc, trong dự thảo chưa có điều nào qui định về ai, cơ quan nào có quyền đưa ra qui định về hộ khẩu.

 

Luật… thoáng quá!

 

Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trình bày cảm nhận của mình về dự án Luật Cư trú. Theo ông, luật từ chỗ chặt chẽ quá giờ lại… thoáng quá. Từ những qui định “thoáng” này, ông Thanh lo lắng, chủ trương phấn đấu năm không của Đà Nẵng sẽ “hỏng” (không người mù chữ, không ăn xin, không ma túy…).

 

“Chúng ta rất thông cảm nhưng tự do của người này phải không làm ảnh hưởng tới người khác”, ông Thanh nói.

 

Trình bày kinh nghiệm quản lý của địa phương mình, ông Thanh cho biết, đã 9 năm nay Đà Nẵng không có phân biệt là phải sống ở Đà Nẵng mới được mua đất mua nhà, bất kể ai, muốn mua thì mua. Cứ có chỗ ở, có việc làm sẽ cho nhập hộ khẩu: “Chúng tôi lấy chỗ ở, lấy công việc làm trọng”, ông Thanh bật mí.

 

“Phải có qui định về chỗ ở, nếu qui định thoáng thế này thì chẳng mấy chốc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thành thuộc… Sở”, ông Thanh ví von hài hước.

 

Kết thúc buổi thảo luận Luật Cư trú, hầu hết các ý kiến tham gia đóng góp đều thống nhất chưa bỏ qui định về hộ khẩu vì chưa có mô hình nào khả thi hơn để thay thế. “Tuy nhiên, với xu thế hiện nay, cần xây dựng một lộ trình để  thay thế hộ khẩu bằng một phương thức quản lý mới, khả thi hơn”, đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đề nghị.

 

Đức Hòa