"Cảm giác rất có lỗi, xấu hổ khi không giải quyết được việc cho dân"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong giám sát để mỗi đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đều phải thực hiện chức năng này.
Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chiều 22/11, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đề nghị dự luật sửa đổi theo hướng chủ động giao cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát văn bản dưới luật.
"Bởi cứ đợi ban hành văn bản trái pháp luật mới giám sát hay hằng năm lựa chọn chuyên đề giám sát nghĩa là đang thụ động", đại biểu cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, trong quá trình giám sát phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, Quốc hội cần có văn bản tổng hợp chuyển cho cơ quan chức năng của nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng dự luật cần quy định chặt chẽ để nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội với việc tiến hành giám sát và hậu giám sát.
Về giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội, ông Đức nêu thực tế việc người dân có kiến nghị gửi đại biểu sẽ có phiếu nhận tin báo cho người dân.
Bản thân đại biểu chuyên trách ở Trung ương chuyển đơn đi nhưng cũng chỉ nhận lại vài hồi âm. Vì vậy, ông phải đề nghị người dân gửi văn bản cho Ủy ban, chứ không gửi cho cá nhân đại biểu.
Sau đó, đại biểu sẽ thông qua bộ phận xử lý của Ủy ban về đơn thư. Văn bản gửi đi có đóng dấu gửi đến những địa chỉ theo đơn mới có khả năng nhận được hồi đáp.
"Nếu dùng phiếu chỉ có chữ ký mà không có đóng dấu thì hầu như không nhận được trả lời. Như vậy rất hình thức, khi đại biểu quay trở lại tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp cảm giác như mình rất có lỗi, xấu hổ với người dân khi không giải quyết được việc chính đáng của họ", ông Đức nói.
Như vậy, đại biểu đề nghị tăng tính chất giám sát trong dự luật này phải được quy định nhằm nâng hiệu quả, hiệu lực để mỗi đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đều phải thực hiện chức năng này.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng đề nghị cần tạo nên sự thống nhất trong giám sát để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng của Chính phủ, các cơ quan của Đảng. Chỉ như vậy mới phát hiện kịp thời vi phạm, điểm nghẽn để có kiến nghị, đưa vào sửa luật, giúp đạt được kết quả cao nhất.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chỉ rõ thực trạng có những cuộc giám sát chỉ mang tính hình thức, làm không tốt, làm vội.
"Các báo cáo của các nơi không đầy đủ. Có những báo cáo đọc thấy rất nhiều số liệu nhưng chỉ là thống kê cộng trừ nhân chia, còn tình hình thực tiễn thì không đề cập", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị Quốc hội được giám sát nghị quyết của hội đồng nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương.
"Từ giám sát sẽ thấy có những vấn đề bất cập, có thực tiễn để thấy pháp luật đi vào cuộc sống hay chưa. Còn với những vấn đề cần điều chỉnh thì báo cáo với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội", đại biểu đoàn TPHCM cho hay.