(Dân trí) - Kiên trì mỗi ngày một ít, chị Loan vác từng bao đất lên sân thượng tầng 5 để làm vườn, trồng cây. Sau 3 năm, khu vườn "trên cao" của chị đã tràn ngập hàng chục loại rau trái.
Chị Lê Thị Loan (sống ở Đà Nẵng) bắt đầu làm vườn cách đây 3 năm. Năm đầu tiên, chị trồng rau ở ban công nhưng chỉ trồng được vài loại vì không gian ít nắng. Bên cạnh đó, cây cũng chậm lớn do không hấp thu được đủ lượng ánh sáng cần.
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, thuở bé thường thấy bố mẹ ra làm vườn trồng cây nên chị Loan cũng có chút kinh nghiệm, biết được cách gieo trồng và chăm sóc một số giống rau trái khác nhau.
"Dưa là giống cây hay bị nấm rễ và bệnh ở lá nên khâu làm đất và phun phòng bệnh được cho là quan trọng nhất. Trước khi trồng lứa mới, mình phải làm sạch và bổ sung dinh dưỡng cho đất từ vụ cũ bằng cách trộn thêm rác nhà bếp, bánh dầu, xơ dừa, cá nước ngọt,lá cây,... mỗi thứ một ít.
Khi cây con hạ thổ được một tuần, chị bắt đầu bón phân đạm cá, đậu tương pha loãng định kỳ 2 lần/tuần và chú ý phun phòng bọ trĩ, phấn trắng, nhện đỏ bằng dầu neem ba ngày/lần vào buổi chiều mát.
Thời điểm cây ra hoa, gia chủ phun bổ sung canxi bo và tưới phân bón MKP. Đây cũng là giai đoạn cần giảm đạm cho cây. Sau 5 ngày thụ phấn, chị Loan tiến hành tưới phân đạm cá, bánh dầu, dịch chuối luân phiên 3 ngày/lần.
Kể từ khi có khu vườn sân thượng tươi tốt, chị Loan cảm thấy yêu đời hơn. Mỗi lần căng thẳng hay mệt mỏi, chị lại lên vườn cắt tỉa cành lá, xới đất, bón phân. Đây là cách để người phụ nữ đảm đang giải tỏa mọi bộn bề, muộn phiền trong lòng cũng như vận động tay chân giúp giảm cảm giác trì trệ của cơ thể, vượt qua mùa dịch an toàn mà vẫn vui khỏe.