1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Cấm cửa" làm luật sư với người phạm tội nặng sau ra tù

(Dân trí) - Đề xuất nới quy định cấm người phạm tội nghiêm trọng, sau khi ra tù, được xóa án tích hành nghề luật sư trong dự thảo luật Luật sư sửa đổi nhận nhiều quan điểm trái ngược trong phiên thảo luận tại UB Thường vụ QH chiều 12/4.

Quy tụ trí tuệ người từng lầm lỡ?

Đa số ý kiến thường trực UB Tư pháp phản đối đề xuất nới quy định này. Cơ quan thẩm tra nêu lý lẽ, với đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố hết sức quan trọng.

Do vậy, việc cấm hành nghề luật sư đối với những người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở để hình thành hình ảnh một đội ngũ luật sư “sạch đẹp”, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý.
 
Cấm cửa làm luật sư với người phạm tội nặng sau ra tù
Hiện mới chỉ 20% số vụ án hình sự có luật sư tham gia bảo vệ, tranh tụng.

UB Tư pháp viện dẫn thông lệ nhiều nước cũng quy định chặt vấn đề này như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều “cấm” ngặt việc hành nghề luật sư với những người nguyên là thẩm phán bị sa thải theo quyết định của tòa án; người bị kỷ luật, đã khai trừ ra khỏi đoàn luật sư; người bị kết án tù…

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đồng ý quan điểm của UB Tư pháp là các tiêu chuẩn về uy tín của người luật sư cần được đề cao. Bà Phóng cũng cho rằng, xem xét trong các mối quan hệ xã hội, cần tránh trước tình huống người từng phạm tội lại đi bào chữa, bảo vệ cho những người phạm tội khác. “Còn việc quy tụ, sử dụng trí tuệ những người từng lầm lỡ, nếu có, nên tiến hành theo cách khác” – Phó Chủ tịch QH lập luận.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý tỏ ý tán thành quan điểm này. Tuy nhiên, ông Lý vẫn “lăn tăn” lo quy định như vậy sẽ đá luật tố tụng hình sự vì theo nguyên tắc, người phạm tội, bị kết án nhưng đã được xóa án thích nghĩa là được khôi phục, thực hiện mọi quyền công dân bình thường.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể nhìn nhận, ở khía cạnh đặc thù của xã hội Việt Nam, khó có chuyện như phương tây, người đi tù về vẫn tranh cử tổng thống. “Ở ta, một người đi tù về hình ảnh rất nặng nề, khó “nhuận sắc”. Vậy nên cần hạn chế việc hành nghề luật sư đối với trường hợp người phạm một số tội cụ thể (như an ninh quốc gia, xâm phạm hoạt động tư pháp…). Nhưng cũng không nên đánh đồng, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn” – ông Thể phát biểu.

Không thể “vơ vét” luật sư

Vấn đề mở rộng đối tượng người được miễn đào tạo nghề, tập sự để hành nghề luật sư đối với các chức danh thừa phát lại (thi hành án tư), chấp hành viên, công chứng viên, ông Phan Trung Lý đề nghị xét lại. Chủ nhiệm UB Pháp luật phân tích, trường hợp thừa phát lại là một chức danh chưa được công nhận vì mới đang ở giai đoạn thí điểm (tại TPHCM), chưa tổng kết, đánh giá.

“Hiện chỉ 1,2% luật sư đủ tiêu chuẩn tố tụng quốc tế. Vậy tiêu chuẩn quốc tế so với tiêu chuẩn Việt có độ chênh như nào? Đến nay, chỉ 20% số vụ án hình sự, 21% án dân sự có luật sư tham gia nên khả năng tranh tụng tại tòa hạn chế. Cộng thêm việc hệ thống thẩm phán không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ án oan sai lớn?” - Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển.

Ở khía cạnh khác, Viện Phó Lê Hữu Thể lại cho rằng, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư đối với thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp, điều tra viên theo hướng phải có 5 năm công tác trở lên là không hợp lý. Vì thực tế, trước khi được bổ nhiệm các chức danh này cũng đã phải qua trường đào tạo các chức danh tư pháp.

“Hơn nữa, 5 năm công tác có phải là thước đo thể hiện được về trình độ, về độ chín không…? Nghề luật sư không chỉ đòi hỏi kiến thức pháp luật mà còn cần hiểu biết xã hội rất rộng. Kiến thức tổng hợp này một người làm thẩm phán làm việc 4 năm, nhất là ở các thành phố lớn, một năm tiếp xúc rất nhiều vụ án, có thể còn lớn hơn người đứng trên bục giảng cả đời” – ông Thể khẳng định.

Về nội dung cho phép giảng viên luật được hành nghề luật sư, cơ quan soạn thảo nêu lý do, quy định nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề, góp phần phát triển hợp lý số lượng luật sư cũng như tạo điều kiện cho giảng viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy.

UB Tư pháp ghi nhận việc này hợp với định hướng phát triển nhanh đội ngũ luật sư, phấn đấu đến 2020 Việt Nam có khoảng 20.000 luật sư. Nhưng quy định cho phép làm “kiêm nhiệm” lại trái với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Trong khi đó, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống cơ quan tư pháp và toàn xã hội, cũng cần toàn tâm. Kiêm nhiệm sẽ không đảm bảo chất lượng cả 2 việc.

Chủ nhiệm UB Pháp luật phân tích thêm, luật Viên chức cho phép được làm ngoài giờ nhưng là nghề chuyên môn của mình, ví dụ đi dạy thêm, nên không áp dụng để cho giảng viên làm luật sư được. “Luật sư, đi bảo vệ, tham gia tố tụng phải làm ban ngày, không thể là làm thêm ngoài giờ được. Không ai có thể ban ngày đi dạy, ban đêm đi “cãi” được” – ông Lý hóm hỉnh.

Chủ nhiệm UB tài chính ngân sách, Phùng Quốc Hiển lại đề xuất nên để lực lượng này tham gia hành nghề luật sư vì ở bậc đại học, người giảng dạy theo kế hoạch, thời gian nhất định, số tiết dạy mỗi năm không nhiều. Lực lượng này cũng cần có thực tiễn, nếu không việc giảng dạy chỉ đơn thuần là lý thuyết. Ông Hiển cho rằng, 2 nghề này hỗ trợ tích cực cho nhau.

Viện Phó Lê Hữu Thể lại tranh luận ngay bằng ví dụ về phiên tòa xử vụ Năm Cam, kéo dài đến vài tháng. VKS tối cao cũng phải có 2-3 KSV tham dự liên tục để phòng trường hợp người này nghỉ, người khác vẫn tiếp tục. Ông Thể hỏi vặn: Liệu một giáo viên có thể tham gia một phiên xử 3 tháng liên tục?

“Còn để có thêm kinh nghiệm thực tiễn, nên chăng giáo viên nâng cao kiến thức bằng cách đi thực tế ở những cơ quan tư pháp này chứ không hẳn hành nghề luật sư vì bản thân điều tra viên, kiểm sát viên còn nhiều kinh nghiệm làm án hơn cả luật sư” – ông Thể nói.

Trước những tranh luận này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận chỉnh lại dự thảo luật, bỏ quy định cho phép giảng viên luật hành nghề luật sư.

P.Thảo