1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cai nghiện ma túy - vạn sự gian nan…

Nhiều ông bố, bà mẹ, vợ con… đi thăm nuôi, tiễn người nhà đi cai nghiện, còn cố tình nhét ma túy vào đồ ăn vì cho rằng đằng nào con em mình cũng “đi” một thời gian, coi như đó là… món quà để động viên người nhà yên tâm cai nghiện.

Những ai trót nghiện ma túy mà không quyết chí cai được thì đúng là cuộc đời sẽ tàn lụi. Tàn lụi về tài sản; tàn lụi về sức khỏe rồi HIV, AIDS... (và cái chết chờ đợi họ ở phía trước, nhanh thôi!); tàn lụi về tương lai và sự nghiệp; tàn lụi về danh dự và nhân phẩm... ấy là chưa kể nỗi đau đớn tận cùng mà họ gây ra cho cha mẹ, vợ con, cho những người thân, cho xã hội khi trở thành tội phạm.

 

Với những hậu quả kinh khủng như vậy, không một người nghiện nào không vài ba lần quyết chí cai. Nhưng sự quyến rũ ma quái của ma tuý luôn luôn rình rập và kéo họ trở lại con đường chết.

 

Nhưng với sự quyết tâm, khát vọng hoàn lương, nhiều con nghiện đã cai thành công để trở về với cuộc sống đời thường và cộng đồng.

 

Không phải gia đình nào cũng biết cách quản lý người nghiện

 

Việc người nghiện sau khi đi cai về tái nghiện, ngoài lý do chính từ phía người nghiện không đủ quyết tâm, bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo…, còn có một phần lỗi lớn từ phía người thân của các đối tượng khi không có thái độ dứt khoát, cương quyết. Không chỉ cản trở lực lượng Công an thi hành việc đưa người nhà họ đi cai nghiện bắt buộc, một số gia đình còn làm đơn khiếu kiện việc làm của các cơ quan thực thi pháp luật.

 

Hôm chúng tôi tới Đội CSĐT tội phạm về ma túy - Công an quận Hai Bà Trưng, đúng lúc Đội đang làm công văn trả lời đơn của ông Nguyễn Xuân T. ở phường Quỳnh Lôi, nội dung khiếu kiện Công an phường Quỳnh Lôi bắt con trai ông là Nguyễn Xuân Bình (41 tuổi) đi cai nghiện bắt buộc vào tối 15/1, là chưa đúng.

 

Theo ông T., trước đây Bình có nghiện ma túy nhưng đang cai nghiện tại nhà, hiện không có biểu hiện sử dụng ma túy nên việc Công an phường bắt Bình đi cai nghiện bắt buộc là không đúng quy định của pháp luật.

 

Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, Bình đã có 3 tiền án, 1 tiền sự, trong đó 1 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Bản thân Bình nghiện ma túy từ năm 2005, sau khi đi tù về, tháng 9/2008 tái nghiện. Công an phường đã 2 lần thử nước tiểu của Bình vào thời điểm tháng 9 và tháng 12, đều cho kết quả dương tính với chất ma túy. Các lần thử này, đều có chữ ký xác nhận của Bình.

 

Tiếp đó, tại bản tự kiểm điểm ngày 16/12/2008, Bình cũng tự nhận mình nghiện ma túy chưa cai được. Bản thân Bình đã được quản lý tại địa phương, cảm hóa giáo dục nhiều lần nhưng không tiến bộ, vẫn nghiện ma túy. Do đó, căn cứ hồ sơ, Hội đồng tư vấn quận Hai Bà Trưng đã xét duyệt ra quyết định bắt buộc Bình phải vào Trung tâm GD-LĐXH số 3 cai nghiện 24 tháng.

 

Trung tá Nguyễn Ngọc Hoa, một cán bộ trong Đội cho biết, chỉ tính riêng nửa cuối năm 2008 đến nay, Công an quận đã trả lời gần 10 trường hợp người nhà khiếu kiện việc đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

 

Khi xem xét các trường hợp này, về phía lực lượng Công an cơ sở cũng còn một số thiếu sót như chưa giải thích cặn kẽ cho gia đình người nghiện, thực hiện tắt quy trình lập hồ sơ… Nhưng đa phần, các gia đình không quản lý được con em mình hoặc quản lý không đúng cách dẫn tới việc con em tái nghiện mà không biết.

 

Trung tá Lê Quốc Lập, CSKV Công an phường Ô Cầu Dền tâm sự, ngay cả khi trong nhà có người nghiện ma túy đi cai nghiện về, không phải gia đình nào cũng sẵn sàng hợp tác với CSKV trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Đây cũng là những chuyện buồn vui trong nghề CSKV.

 

Có gia đình chỉ mong CSKV thường xuyên qua lại để trao đổi, nhắc nhở con em mình. Có gia đình còn nói thẳng: “Nếu chú thấy con tôi tái nghiện thì chú tiếp tục cho đi cai, chứ để nó đi lang thang, rồi chết bờ chết bụi thì mang tiếng cả đời…”.

 

Nhưng cũng không ít gia đình phản ứng trước việc nắm tình hình của CSKV. Có trường hợp để quản lý con đi cai nghiện về, ông bố nhốt con ở nhà, hằng ngày ăn ngủ cùng. Đứa con tỏ ra ngoan ngoãn, không rời bố nửa bước. Thế nhưng khi bố ngủ say, con lấy điện thoại liên lạc với bạn nghiện nhờ mang ma túy đến rồi vào nhà vệ sinh hút hít.

 

Nắm được tình hình trên, đồng chí Lập gặp ông bố trao đổi thì nhận được những câu trả lời thiếu thiện cảm: “Chú cứ soi mói con tôi. Nó ngoan rồi. Hằng ngày, tôi ăn ngủ cùng với nó, tôi biết chứ”. Chỉ đến khi CSKV yêu cầu gia đình cho cậu con thử nước tiểu, trước sự chứng kiến của tất cả mọi người, ông bố ớ người ra vì đã canh chừng cẩn thận như vậy mà kết quả xét nghiệm của con vẫn dương tính với ma túy.

 

Nhiều ông bố, bà mẹ, vợ con… đi thăm nuôi, tiễn người nhà đi cai nghiện, còn cố tình nhét ma túy vào đồ ăn vì cho rằng đằng nào con em mình cũng “đi” một thời gian, coi như đó là… món quà để động viên người nhà yên tâm cai nghiện. Những kiểu “thương” như vậy, không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm hư thêm người nghiện, giảm ý chí và quyết tâm - vốn là điểm yếu của họ.

 

Tái nghiện và những hậu quả đau lòng

 

Thống kê của Văn phòng Thường trực Phòng chống ma tuý - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), chỉ riêng năm 2008, cả nước có trên 10.000 người nghiện ma tuý được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cùng thời gian này, số người tái nghiện đã được phát hiện là 1.915 người. Tuy nhiên thực tế, con số này có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều.

 

Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi đã tới một số phường trên địa bàn Hà Nội. Hầu hết các đơn vị Công an phường đều khẳng định, có ít nhất 90% người khi cai xong trở về địa phương đã tái nghiện chỉ sau một thời gian ngắn.

 

Nguyên nhân chính dẫn đến tái nghiện, xét cho cùng vẫn là lỗi của người nghiện đã không tự giải thoát bản thân trước sức cám dỗ của ma tuý. Nhưng cũng phải thừa nhận những lý do khác như sự mặc cảm, kỳ thị của những người xung quanh; thái độ thờ ơ, lãnh đạm của chính người thân; bí bách trong việc làm và nguy hiểm nhất là sự kết nối của bạn nghiện đã khiến những người đi cai nghiện về, vốn đang trong tâm lý chán chường, trở lại con đường cũ.

 

Nghiện ma túy, cai nghiện rồi tái nghiện vẫn đang là bài toán khó giải quyết. Song, điều nguy hiểm mà chúng ta đang phải đối phó, đó là số đối tượng phạm tội do nghiện ma túy đang ngày càng gia tăng, nhất là những tội phạm nguy hiểm. Đối với những đối tượng tái nghiện thì mức độ phạm tội càng quyết liệt và khó lường hơn.

 

Trong rất nhiều vụ án mà thủ phạm là người nghiện ma tuý, có vụ Nguyễn Thế Đô sát hại bà Phạm Thị Kim Long ở phường Phương Liên, quận Đống Đa. Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm một ngày, chúng tôi đã đến nhà Nguyễn Thế Đô. Đó là một căn hộ cũ kỹ, chật chội trên tầng 4 khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng. Hôm đó đúng vào ngày Rằm tháng Giêng. Chi - cô bé học lớp 11, con gái của Nguyễn Thế Đô đang cùng mẹ cho ông nội ăn cơm trưa.

 

Chị Loan - vợ của Đô kể rằng, ngày trước gia đình chị cũng huy hoàng lắm. Hồi ấy nhà còn ở phố Trần Quốc Toản, vợ chồng chị đã có xe ôtô riêng. Thế nhưng khi làm ăn thất bát, bố mẹ chồng chị phải bán nhà này đi và mua một căn hộ tồi tàn cũ nát trên tầng 4 khu tập thể Nguyễn Công Trứ để tá túc. Đô lại lao vào nghiện ngập. Mà đâu chỉ có Đô, em trai anh ta hiện cũng đang ở trại cai nghiện, để lại hai đứa con nhỏ cho bà nội nuôi, bởi vợ anh ta đã bỏ đi từ khi hai đứa trẻ sinh đôi này được 17 ngày tuổi.

 

Cô bé Chi kể, lần đầu tiên em chứng kiến cảnh bố mình hít ma túy là cách đây 2 năm. Hôm ấy đi học về, em nghe thấy tiếng bật lửa trong toilet. Nghi ngờ, em mở cửa bước vào thì nhìn thấy bố đang hít ma túy. Chi đã khóc như mưa, hỏi tại sao bố lại làm thế. Nguyễn Thế Đô đã ôm cô con gái vào lòng và kẻ làm cha tội lỗi này đã sụt sùi: “Bố trót rồi con ạ…”:.

 

Sau đó, Đô cũng nhiều lần hạ quyết tâm cai nghiện và cũng đã cắt cơn, nhưng cứ ra phố Trần Nhật Duật làm nghề xe ôm đón khách thì lại tái nghiện.

 

Cho đến một buổi sáng, cô bé Chi thấy bố trở về trong bộ dạng hốt hoảng, ngón tay bị thương. Nguyễn Thế Đô gấp gáp thông báo với cô con gái: “Bố đã đâm chết bà Long con ạ”, rồi bảo con ngồi lên xe máy để chạy trốn. Không đủ tỉnh táo, cô bé răm rắp làm theo lời bố. Khi chiếc xe đi đến đường Tô Hiến Thành đã bị lực lượng Công an vây bắt.

 

Tại trụ sở cơ quan Công an, cô bé Chi đau đớn biết rằng, trong cơn đói thuốc, người cha nghiện ngập đã xuống tay hạ sát người đàn bà vẫn bán ma tuý cho ông ta hằng ngày, chỉ vì bà này không chấp nhận bán chịu.

 

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy, có hiệu lực từ 1/1/2009, người nghiện ma túy có trách nhiệm tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức, nơi làm việc hoặc UBND cấp xã nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện.

 

Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm khai báo với UBND cấp xã về người nghiện trong gia đình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó; đồng thời có trách nhiệm động viên, giúp đỡ, quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và UBND cấp xã; theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép ma túy hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội; hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

 

Theo Nhóm PV Nghiệp vụ

Công an nhân dân