1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường:

“Cái gì thúc đẩy công việc đi lên chúng tôi đều muốn làm”

(Dân trí) ­ Bộ trưởng, Thứ trưởng, các chuyên viên của Bộ Tài nguyên - Môi trường đều rất tất bật trong hai ngày nghỉ cuối tuần nhằm chuẩn bị cho cuộc giao lưu trực tuyến về lĩnh vực đất đai vào ngày mai, 19/6. Những giao tiếp “nóng” qua mạng giữa Bộ với các Sở khiến các máy tính ở hội trường luôn bận rộn.

“Bên lề” ngày làm việc cuối tuần, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí.   

 

Thưa Bộ trưởng, cuộc giao trực tuyến lần này có sự tham gia của tất cả các Sở TN-MT trong cả nước. Bộ TN-MT mong đợi gì ở cuộc giao lưu rất “qui mô” này?

 

Mong đợi giải đáp được nhiều vấn đề cụ thể về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đất đai ở địa phương mà cuộc giao lưu lần trước chưa thể thực hiện được do Bộ không có được thông tin cụ thể. Lần này có các sở tham gia nên những vấn đề cụ thể được giao cho các sở trả lời. Bộ chỉ trả lời những câu hỏi về cơ chế chính sách.

 

Mong rằng thông qua việc trả lời, các địa phương có dịp hiểu thêm về những vướng mắc, khiếm khuyết trong tổ chức thực hiện, kể cả của cấp huyện và cấp cơ sở, thấy rõ hơn những yêu cầu, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp mà địa phương phải giải quyết. Mong đợi chung nhất vẫn là góp phần thúc đẩy việc tổ chức thi hành pháp luật về đất đai tốt hơn.

 

Lĩnh vực đất đai là một lĩnh vực rất nhạy cảm và còn nhiều bất cập. Cuộc giao lưu lần này sẽ giải quyết được rất nhiều những tồn tại, thưa Bộ trưởng?

 

Trong 6 lĩnh vực do Bộ TN-MT quản lí thì hầu như lĩnh vực nào cũng nhạy cảm nhưng đât đai vẫn đang là lĩnh vực nhạy cảm nhất, phức tạp và có nhiều vướng mắc, yếu kém nhất. Muốn giải quyết thì phải bằng nhiều giải pháp chứ không chỉ có giao lưu trực tuyến.

 

Bộ đã tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc thực hiện, trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp để tìm hiểu những vướng mắc và nghĩ ra cách tháo gỡ, công bố các số điện thoại để tiếp nhận và trả lời các vấn đề người dân và doanh nghiệp đặt ra. Có cách gì để thúc đẩy công việc đi lên thì chúng tôi đều muốn làm hết, chỉ sợ không đủ sức (cười).

 

Việc hỏi và trả lời không có văn bản, không có chữ kí. Vậy người dân có thể coi câu trả lời là “chính thống” và đem câu trả lời này đi giải quyết quyền lợi của mình? 

 

Dù không phải văn bản chính thức nhưng các câu trả lời, giải đáp về chính sách, pháp luật thông qua mạng chúng tôi đã cố gắng rà soát kỹ. Do đó, có thể coi đó là những hướng dẫn cần thiết để tham khảo.

 

Đối với các câu trả lời về việc tổ chức thực hiện cụ thể của địa phương thì các Sở phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải xem họ có trả lời đúng chính sách, pháp luật hay không, nếu không đúng thì yêu cầu trả lời lại.

 

Cách làm của Bộ thể hiện sự dân chủ và Bộ trưởng có kì vọng cách này sẽ đẩy lùi tiêu tiêu cực về thực hiện chính sách đất đai ở các địa phương?

 

Các câu hỏi nhận được thông qua trang web http://gltt.monre.gov.vn   sẽ được các chuyên viên của Bộ trả lời (những câu hỏi về chính sách) hoặc gửi về các Sở (các câu hỏi có tính cụ thể).

 

Câu trả lời sẽ được các Thứ trưởng xem xét rồi được Bộ trưởng duyệt trước khi đưa lên mạng.

 

Các câu hỏi được trả lời bao gồm những câu hỏi còn lại của lần trước (giao lưu chung) và những câu hỏi gửi từ 5/6 và các câu hỏi trực tiếp của ngày giao lưu.

Đâu dễ như thế. Muốn đẩy lùi tiêu cực trong việc thi hành chính sách, pháp luật đất đai thì phải làm quyết liệt, kiên trì và đồng bộ của tất cả các cấp và các ngành có liên quan.

 

Năm nay tôi đã giao cho anh em ở Thanh tra Bộ làm mạnh hơn nữa về chuyện thanh tra các vụ tiêu cực do cán bộ, nhân dân và cơ quan báo chí phát hiện để có thể góp phần hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực nóng bỏng này.

 

Thực tế cho đến lúc này có những địa phương có rất ít câu hỏi gửi đến cuộc giao lưu trực tuyến. Vấn đề đất đai ở đó không nóng bỏng hay đơn thuần là do Internet chưa phủ rộng?

 

Nói chung nơi nào mà kinh tế phát triển, hoạt động giao dịch về nhà đất nhiều, đất đai “có giá” thì nơi đó có nảy sinh nhiều vấn đề về đất đai và chính nơi đó người sử dụng Internet cũng nhiều. Không phải ngạc nhiên khi Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phát triển có nhiều câu hỏi về đất đai. Còn ở các tỉnh xa, kém phát triển vấn đề đất đai cũng phức tạp nhưng không nhiều bằng các tỉnh phát triển, hơn nữa việc tiếp cận với Internet có nhiều hạn chế.

 

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của những cuộc giao lưu trực tuyến như thế này đối với việc cải cách hành chính?

 

Một trong những yêu cầu của cải cách hành chính là tăng cường mối liên hệ giữa chính quyền với người dân. Điều không thể thiếu trong chính phủ điện tử là thiết lập kênh thông tin qua mạng giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

 

Qua giao lưu cũng là dịp để chúng ta giải đáp về pháp luật tốt hơn, đồng thời xem xét việc thực thi pháp luật ra sao. Trình tự thủ tục hành chính đã có qui định rồi, nhưng phải tiếp cận với người dân mình mới biết có những cái gì nhiêu khê phức tạp, phiền hà để điều chỉnh.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Cấn Cường

(Thực hiện)