Cải cách tiền lương: 20 năm chưa thoát vòng luẩn quẩn
(Dân trí) - Đề án cải cách tiền lương và quản lý tiền lương đã đề ra 20 năm nhưng không hề thay đổi. Ngân sách dành cho lương tối thiểu ngày càng phải gánh nhiều khoản nhưng cách thức trang trải vẫn chỉ là “gọt gót chân cho vừa giày”.
Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2011- 2020, do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính vừa tổ chức tại Hà Nội. Theo thống kê của Viện, từ năm 2001 đến nay đã có 8 điều chỉnh lương tối thiểu (LTT). Riêng 4 năm qua, mức LTT đã điều chỉnh tăng thêm 84,4%, nhưng trên thực tế cán bộ công chức làm việc ở thành phố lớn, khu đô thị vẫn không đủ sống với mức lương được nhận.
Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính nhận định, bất cập nhất là hệ thống thang, bảng lương không gắn được việc trả lương với vị trí công việc mà trả đều theo nguyên tắc: Có bằng đại học sẽ hưởng lương chuyên viên, định kỳ 2-3 năm tăng lương một lần. Theo đó, người làm ít vẫn nhận lương cơ bản như người làm nhiều, người nhiều tuổi nhận lương cao hơn ít tuổi. Ngoài ra, 21 ngành được hưởng ở 16 loại phụ cấp ưu đãi khác nhau đang có xu hướng mở rộng hơn, khiến ngân sách dành cho LTT ngày càng bị mỏng đi. “Hiện nay mức độ đảm bảo từ ngân sách Nhà nước cho trả lương và các khoản có tính chất lương là khá cao và liên tục tăng nhanh. Cụ thể, năm 2011, lương, phụ cấp ước chiếm 51% chi thường xuyên của ngân khách Nhà nước, đạt gần 9,6% GDP. Trong khi năm 2010, con số này chỉ là 6,7% GDP”- ông Thăng nói rõ.
Lương cơ bản vẫn không đảm bảo đời sống cho công chức. (Ảnh minh họa)
Từ thực tế, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội đưa ra nhận xét, cải cách lương công chức lâu nay chỉ là kiểu“gọt gót chân cho vừa giày”. TS Nguyễn Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, cung cấp thêm: Đang có hai hệ thống tiền lương tối thiểu song song tồn tại: hệ thống chính sách tiền LTT một mức duy nhất áp dụng đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách và hệ thống tiền LTT phân biệt theo vùng áp dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh.
“Đây là điểm khác biệt căn bản so với nhiều nước trên thế giới. Hiện phương thức chi trả tiền lương vẫn theo kiểu cắt chỗ này bồi sang chỗ khác mà không có ưu tiên, lộ trình. Chúng ta tốn nhiều tiền nhưng không thay đổi được vấn đề vướng mắc. Nguyên nhân bởi đang lẫn lộn, bùng nhùng giữa các khoản lương trợ cấp”- TS Mơ nói.