1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Cái bang” mù giải cứu 4 em nhỏ

Cái nghề được coi là “hèn” nhất - nghề ăn mày - vẫn có những tấm gương “oanh liệt”. Đỗ Minh Tuấn, người ăn xin khiếm thị đã trở thành vị cứu tinh của bốn em nhỏ sống trong cảnh nô lệ...

Cậu ấm bất hạnh

Tiếng chuông nhà thờ giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) thánh thót ngân dài báo hiệu buổi lễ tan, Tuấn mù chống cây gậy dò dẫm ra cổng nhà thờ với một chiếc bát nhựa cũ kỹ trong tay.

Thỉnh thoảng một cánh tay đưa ra, đồng bạc lẻ được thả vào trong bát. Tuấn mù miết ngón tay lên từng tờ tiền, bữa cơm bình dân trong ngày dần hình thành từ những tấm lòng của những người không quen biết. Người hành khất liêu xiêu bên cổng nhà thờ ấy, vài năm trước, từng chống lại cả đám côn đồ, lập mưu giải cứu 4 em nhỏ khỏi kiếp “nô lệ”.

Gần 30 năm trước, trong một căn nhà ở Hưng Yên, có tiếng trẻ khóc chào đời. Khi ấy, ông Đỗ Văn Thi - cha đứa bé vừa thôi giữ chức Bí thư tỉnh ủy Lai Châu. Ông ôm lấy hài nhi đỏ hỏn trong tay. Một niềm hạnh phúc hòa lẫn nỗi xót xa trào dâng trong ông.

Ông khẽ ngâm câu Kiều ru con: “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...”. Hạnh phúc vừa mỉm cười trong ngôi nhà nhỏ thi niềm đau cũng gõ cửa. Đỗ Minh Tuấn, tên hài nhi, mãi mãi không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Tuấn lần lượt có thêm hai người em nữa. Họ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, chỉ Tuấn vẫn lặng lẽ lớn lên trong bóng tối. Thương Tuấn, cha mẹ cho cậu học chữ nổi ở trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Càng học, Tuấn càng thấy cuộc sống ngoài kia bao la rộng lớn và chứa đựng biết bao điều bí ẩn. Tốt nghiệp, cha mẹ lại đón Tuấn về nhà.

Những âm thanh về sự chật vật trong cuộc sống mưu sinh cứ lọt vào đôi tai thính hơn người thường của chàng thanh niên khiếm thị. Thương cha mẹ, thương các em, thương chính bản thân mình và khát khao được sống, được trải nghiệm, Tuấn quyết định lên đường làm một tha nhân.

Một ngày của năm 1995, bộ quần áo cũ, cành khô làm gậy, Tuấn trở thành “cái bang”  dấn thân vào chốn giang hồ. Cha mẹ và hai em thương Tuấn, ra sức ngăn cản. Tuấn kiên quyết ra đi với một lời giải thích: “Con cần dấn thân để hiểu những nỗi khổ mà cha mẹ và các em đã từng chịu. Không vượt khó chẳng bao giờ con được thành người...”.

Gia đình Tuấn đành chấp nhận để anh ra đi. Ngày thì tìm nơi quán chợ, đình chùa, nơi đông người ăn xin, tối Tuấn lại vạ vật vào bất cứ nơi nào ngủ qua đêm. Những ngày không xin được tiền thì nhịn đói, ngủ nơi gầm cầu, vỉa hè là chuyện thường.

Cực nhọc khổ sở nhưng chưa một lần nào Tuấn nghĩ đến hai chữ quay về. Phần vì muốn tự mình vượt khó, phần không muốn làm gánh nặng cho gia đình, Tuấn vẫn nghiến răng dấn bước.

Càng đi, Tuấn càng hiểu nhiều sự đời, càng cảm nhận hết nỗi cơ cực khó khăn và hiểu được những trò quỷ để có được miếng ăn. Kẻ bắt con đi ăn xin, kẻ thuê đứa trẻ còn ẵm ngửa giả làm con để đánh động lòng trắc ẩn. Có người lành lặn lại buộc chân buộc tay giả tàn tật, có kẻ đi lại bình thường lại chế một xe gỗ nằm lên như người liệt toàn thân...

Riêng Tuấn, xin thì không nài nỉ, chẳng đeo bám, không kể lể, cũng chẳng thở than. Người nào hảo tâm thì cám ơn, người không cho thì Tuấn cúi đầu lùi bước nhường đường.

Lầm lũi đi trong cuộc đời xô bồ, niềm vui duy nhất của Tuấn là những sáng Chủ nhật được đi đến nhà thờ Thái Hà để những lời kinh cầu huyền ảo gột rửa cho tâm hồn của mình được thanh khiết.

Anh hùng giữa chốn trần ai

Một ngày tháng 5/2006, Tuấn đang hành khất chợt nghe một giọng phụ nữ ngọt nhạt bắt chuyện. Chị ta tự xưng là Thanh. Thanh bảo muốn đón Tuấn về để anh đỡ khổ. Thanh nói đang cưu mang mấy đứa trẻ cũng hành khất như anh. Chị ta hứa sẽ cho chúng đi theo Tuấn để có người nương tựa.

Tưởng có thể giúp được mấy đứa em nhỏ, Tuấn ưng thuận đi theo. Thanh đưa Tuấn lên xe máy đi lòng vòng hồi lâu. Rồi chị ra đưa Tuấn lên một chiếc thuyền bên bờ sông Hồng.

Người đàn bà giao cho Tuấn 4 đứa trẻ. Lớn nhất là em Lê Thị Hương Giang 14 tuổi. Nhỏ nhất là Nguyễn Cẩm Ly mới tròn 8 tuổi. Ấy là sau này Tuấn mới biết chứ thoạt đầu nghe lũ tiểu lâu la nói chuyện, Tuấn ngỡ chúng là những kẻ lọc lõi tinh đời.

Đủ các loại tiếng lóng, thừa mứa những câu chán đời, bệnh hoạn. Kiếp sống đầy ải đã khiến chúng như những cây bon-sai sớm xù xì góc cạnh. Thanh dặn, khi đi xin, lũ trẻ phải gọi Tuấn là bố, xưng con. Phải kể lể cảnh khổ càng nhiều càng tốt. Tuấn im lặng. Linh cảm mách bảo về những điều chẳng lành.

Từ đấy, hàng ngày Tuấn đi bộ dắt 4 em nhỏ từ bờ sông vào mọi ngóc ngách của Hà Nội hành khất. Mỗi em được giao “chỉ tiêu” ngày phải xin được 100.000 đồng. Ngày nào thất bát cũng phải có ít nhất 50.000 đồng, nếu không đừng nói chuyện quay về thuyền. Riêng Tuấn mỗi ngày cũng phải đem về 160.000 đồng.

Đêm đến, Thanh dồn lũ trẻ vào thuyền, khóa lại rồi giao chìa khóa cho Tuấn. Chị ta ra chợ Đồng Xuân xin cơm thừa, canh cặn của những người bán hàng ăn trưa ở chợ về cho lũ trẻ và Tuấn ăn. Thức ăn như cho lợn nhưng mỗi ngày, Tuấn và lũ trẻ vẫn bị tính với giá 10.000 đồng. Tính tiền chỉ là hình thức che mắt mọi người, thực chất ngày nào đi xin về, bà chủ cũng lục túi lấy sạch tiền của cả đám.

Xin được ít, trái ý là chủ mắng mỏ tới tấp, lúc bực bội còn đem lũ trẻ ra đánh đập trút giận. Tuấn nhiều lần định bỏ trốn nhưng có một lần Tuấn nghe tiếng Giang bất chợt hét lên trong khoang thuyền: “Nếu chú làm thế, cháu sẽ nhảy xuống sông!”, giọng gã chồng hờ của Thanh lạnh lùng: “Im! Không tao giết!”, Tuấn thảng thốt song cũng kịp: “Chị Thanh! Chị đã về đấy à?”.

Gã chủ bỏ dở “con mồi” chạy lên bờ nhớn nhác rồi quay lại tát Tuấn một cú nảy đom đóm: “Mẹ thằng mù dở, làm bố mày giật cả mình”. Từ lúc ấy, Tuấn thôi ý định bỏ trốn và nung nấu một kế hoạch...

Bất bình nhưng Tuấn vẫn im lặng, vui vẻ nhẫn nhục chờ thời. Khóa cửa thuyền, giao chìa khóa cho Tuấn, nhưng thỉnh thoảng Thanh vẫn bất ngờ kiểm tra và theo dõi. Biết vậy, Tuấn cố tỏ ra ngoan ngoãn hoàn thành nhiệm vụ để chiếm lòng tin của chúng.

Sau vài tháng, vợ chồng Thanh dần tin tưởng Tuấn. Biết Tuấn cũng gần nhận ra bản chất độc ác nham hiểm, chúng dùng “mỹ nhân kế” dụ dỗ. Thanh giới thiệu cho Tuấn cô em gái mình và nhận làm vợ hờ của Tuấn.

Nói là vợ chồng nhưng chưa bao giờ hai người ngồi nói chuyện với nhau cho tử tế chứ đừng nói gì đến chuyện ăn ở với nhau. Mỗi ngày đi xin về, chúng ép Tuấn đưa tiền cho “vợ” giữ. Chúng hứa hẹn để làm vốn sau này hai người xây dựng cuộc sống...

Rồi một đêm tháng 9/2006, khi bọn chúng bỏ đi đánh bạc, đợi đúng 0 giờ, Tuấn mở khóa giục 4 em nhỏ chạy trốn, Tuấn dặn các em không được mang theo bất cứ thứ gì của nhà chủ, trừ bộ quần áo đang mặc trên người.

Anh cũng bảo lũ trẻ thoát khỏi tổ quỷ, cứ nhằm thẳng phía Nam mà đi. Bao giờ vào đến miền Nam mới coi là thoát nạn. Khi lũ trẻ đi xa, Tuấn đặt lưng xuống ngủ một giấc ngon lành như chưa có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Tuấn kể, lúc ấy nghĩ tới cái chết tôi cũng chẳng thấy sợ.

Một mình chống lại “ma phi a”

Sáng hôm sau, vợ chồng chủ thuyền thấy “mất” lũ trẻ, lồng lộn tìm kiếm. Chúng dựng Tuấn dậy tra khảo. Tuấn giả vờ ngơ ngác bảo: “Tối qua ông bà khóa cửa thế nào tôi đâu có biết. Chìa khóa ông bà giao tôi vẫn giữ trong người. Chắc chúng nó nhảy xuống sông chạy chốn rồi chết đuối cũng nên”.

Làm đủ trò cũng không moi được tin tức gì, chúng gầm gào tức tối. Biết rằng Tuấn vẫn là một công cụ kiếm tiền hiệu quả nên chúng không dám động đến anh. Nhưng từ đấy, chúng đề cao cảnh giác, mỗi đêm Tuấn đi ngủ đều bị một dây xích chó khóa chặt cổ chân.

Người tốt chẳng đơn độc, vẫn có những người hàng ngày dõi theo từng bước chân chập choạng của Tuấn. Họ biết anh bị bóc lột, bị lợi dụng làm một công cụ kiếm tiền cho bọn bất lương.

Rồi một ngày vợ chồng cụ Phương - Hồng, ở Bạch Đằng, quyết định giải cứu Tuấn. Họ đưa anh vào giấu kỹ một nơi và tìm nhà cho anh thuê để ở. Thêm một người tốt bụng, ông chủ nhà biết chuyện liền sẵn sàng cho anh ở miễn phí.

Vợ chồng Thanh và bọn côn đồ liên tục lùng sục tìm tung tích và tổ chức bắt anh về. Ngày hôm ấy, hai cụ già phải ra sức che chở nhận anh là cháu họ. Cùng với sự trợ giúp của hàng xóm, bọn côn đồ mới không bắt được Tuấn về thuyền. Ở lại đây chừng một tháng, thấy không có lợi cho những người cưu mang mình, Tuấn quay trở về Hưng Yên.

Đánh hơi thấy chuyện này, một lần nữa bọn côn đồ lại tìm về tận quê Tuấn. Chúng dựng chuyện Tuấn bỏ rơi vợ, lừa cả tình cả tiền cô em gái của Thanh. Nhưng với vòng tay che chở của gia đình, xóm làng, một lần nữa chúng lại thất bại.

Ở lại quê một thời gian, Tuấn lại muốn quay trở lại khu vực nhà thờ Thái Hà. Cũng không mất quá lâu để bọn côn đồ biết Tuấn đã “tái xuất giang hồ”. Chúng lại vây ráp định ép anh trở về thuyền.

Lần này lòng tốt của những giáo dân đã làm chúng nản lòng. Cũng từ đấy chúng không còn dám bén mảng tới khu vực này nữa. Còn Tuấn nguyện gắn bó với giáo xứ Thái Hà. Hơn một năm bị đọa đầy, trốn chạy, Tuấn thoát được bàn tay kẻ ác.

Từ đó đến nay, Tuấn ở lại cạnh nhà thờ Thái Hà. Hàng ngày vừa hành khất anh vừa đóng góp phần nhỏ bé của mình xây dựng ca đoàn (những người hát thánh ca trong các buổi lễ) cho nhà thờ.

Và điều kỳ diệu đã đến. Một thiếu nữ trong buổi đi lễ đã quen Tuấn. Sau một thời gian quen biết, tình yêu đã đến với họ. Run run trong niềm hạnh phúc, Tuấn kể về Phượng, người yêu của anh: “Cô ấy hoàn toàn khỏe mạnh lành lặn nhưng cô ấy dám yêu tôi, một người mù lòa. Tôi không nhìn thấy cô ấy nhưng tôi biết cô ấy rất đẹp...”.

Tuấn đang hồ hởi ghi danh vào học lớp vi tính cho người khiếm thị. Anh bảo học xong, anh sẽ cố gắng để mở một cửa hàng vi tính. Công việc ổn định, anh sẽ cầu hôn Phượng. Nói đến đây khuôn mặt Tuấn ngời lên niềm hạnh phúc...

Theo Nông thôn ngày nay