Các tỉnh ven biển phía Bắc khẩn trương ứng phó bão số 2
(Dân trí) - Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 2, tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa thực hiện lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình vừa có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với bão số 2. Cụ thể, tỉnh Thái Bình sẽ bắt đầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15h30 ngày 10/8.
Đồng thời, khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.
Di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển ở các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 21h ngày 10/8…
Tại Nam Định, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 2.
Theo đó, toàn tỉnh Nam Định hiện có 2.155 tàu thuyền với tổng số 6.282 lao động đã nhận được thông tin về bão; hiện còn 473 tàu với gần 1.600 lao động chưa kịp về bờ.
Nam Định thực hiện lệnh cấm biển từ 17h chiều nay. Các huyện tổ chức thông tin, kêu gọi lao động tại các chòi, lều canh ngoài khu nuôi trồng thủy sản trên bãi triều và các sông vào nơi trú ẩn an toàn trước 19h.
Bão số 2 có tên quốc tế là Mulan, dự báo trực tiếp ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc của Việt Nam trong đêm nay và sáng mai. Cường độ của bão mạnh nhất có thể ở cuối cấp 8, đầu cấp 9 và duy trì trong khoảng 6-12 giờ tới. Sau khi bão vào Vịnh Bắc Bộ vào chiều tối nay, bão vẫn ở cường độ cấp 8, khi vào khu vực phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ cường độ bão bắt đầu suy giảm.
Để ứng phó bão, Quảng Ninh đã cấm biển từ 12h trưa nay. TP Hải Phòng cũng dừng hoạt động trên vịnh Lan Hạ từ 14h cùng ngày. Các địa phương cùng vận động, kêu gọi du khách đang nghỉ ở các đảo chủ động sớm vào đất liền.
Chiều 10/8, thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến đầu giờ chiều 10/8, các địa phương và Bộ đội Biên phòng tỉnh này đã liên lạc với 100% chủ tàu thuyền để thông tin tình hình cơn bão số 2.
Thanh Hóa hiện có 6.513 phương tiện tàu thuyền với 25.240 lao động thường xuyên khai thác trên biển. Tính đến 14h ngày 10/8, đã có gần 6.200 phương tiện vào nơi neo đậu.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo 4 đài thông tin báo bão thường xuyên phát thông báo, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.