Các tỉnh miền Trung hỏa tốc chuẩn bị đón bão số 7
(Dân trí) - Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của mưa, bão số 7, các địa phương miền Trung đã hỏa tốc chỉ đạo và lên phương án ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Thanh Hóa: Cấm biển từ 17h ngày 9/10
Chiều 9/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện khẩn về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này tổ chức thông báo, kêu gọi, kiểm đếm và thường xuyên giữ liên lạc với thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, không đi vào vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến.
Đồng thời, địa phương cũng lệnh cấm biển từ 17h ngày 9/10 cho đến khi bão tan. Theo chỉ đạo, cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Bên cạnh đó, các địa phương phải rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, ven biển, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Lãnh đạo tỉnh lưu ý tổ chức kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực chịu ảnh hưởng...
Nghệ An: Quản lý chặt chẽ việc ra khơi
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu, thuyền, đặc biệt là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các đơn vị, địa phương kêu gọi, hướng dẫn phương tiện tàu, thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh, trú.
Bên cạnh đó, các địa phương phải rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhu yếu phẩm để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Đến chiều 9/10, Nghệ An có hơn 3.241 phương tiện tàu thuyền đã neo đậu tại bến; 197 phương tiện với 664 lao động đang hoạt động trên biển. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của bão và giữ thông tin liên lạc thường xuyên. Địa phương này cũng còn hơn 12.000 ha lúa mùa đang khẩn trương được thu hoạch.
Tại Nghệ An đã có 1.031/1061 hồ đầy nước. Các công trình hồ đập đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt.
Hà Tĩnh: Tất cả tàu thuyền đã vào bờ neo đậu
Tại Hà Tĩnh, từ ngày 5-8/10 đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại một số trạm thủy văn là 150-200 mm. Dung tích các hồ chứa phổ biến đạt từ 75-95%. Hiện hồ Bộc Nguyên đang xả tràn với lưu lượng 15 m3/s, hồ Kim Sơn, Tàu Voi xả tràn 3-5 m3/s. Riêng các hồ chứa lớn như: Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ, Sông Rác hiện nay, lượng nước mới đạt 50-60% dung tích thiết kế.
Đến 9/10, Hà Tĩnh có 3.695 phương tiện tàu thuyền với 14.939 lao động đã biết thông tin, diễn biến, đường đi của bão số 7 và các phương tiện đã vào neo đậu an toàn tại các bến bãi trên địa bàn và neo đậu tại các địa phương khác.
Các công trình đê điều, hồ đập thi công trên địa bàn Hà Tĩnh đến nay cơ bản đạt từ 85-90% khối lượng. Tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chuẩn bị phương án ứng phó khi có bão và mưa lũ lớn.
Quảng Bình: Thông báo cho tàu thuyền tìm nơi tránh trú
Đến chiều ngày 9/10, Quảng Bình có hơn 4.000 tàu cá với hơn 17 ngàn ngư dân đã vào bờ tránh bão an toàn; ngư dân hoạt động gần bờ cũng thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để nắm bắt diễn biến bão.
Quảng Bình cũng đã thông báo cho 42 tàu cá với 315 ngư dân đang hoạt động trên biển tìm chỗ tránh trú bão, không đi vào khu vực nguy hiểm. Công an Quảng Bình phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự đã huy động cán bộ, chiến sĩ, cùng các phương tiện như ca nô, xe thường trực cơ động để sẵn sàng giúp dân trong việc phòng, chống bão số 7.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng giao các địa phương và sở, ban, ngành trong tỉnh chuẩn bị phương án ứng phó với bão; đảm bảo an toàn khu dân cư khu vực trung du, miền núi với phương châm "chủ động phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi" để hạn chế thiệt hại do bão gây ra; đảm bảo an toàn dân cư khu vực đồng bằng ven biển, người và phương tiện trên biển; tổ chức các khu neo đậu cho tàu thuyền đảm bảo an toàn; sẵn sàng di dời dân ven biển, vùng bị xói, lở đến nơi an toàn khi có bão lụt xảy ra.
Quảng Trị: Di dời hàng chục hộ dân đến nơi an toàn
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này đã đề nghị các huyện ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; rà soát kỹ, kiên quyết không để tàu thuyền neo đậu tại vùng không an toàn; hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú…
Theo yêu cầu, các đơn vị chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ứng với các hình thế mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.
Ban chỉ huy lưu ý đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; triển khai tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; chỉ đạo khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản.
Nhiệm vụ khác được nhắc nhở là kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nguy cơ sạt lở bãi thải tại các công trình điện gió đang thi công. Các địa phương cần sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người dân trong điều kiện mưa lớn kéo dài, huyện Hướng Hóa đã chủ động di dời 52 hộ dân, với 156 nhân khẩu tại các khóm Cao Việt, Duy Tân (thị trấn Lao Bảo) và xã Thuận ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt.
Đối với huyện Đakrông, chính quyền địa phương di dời tài sản của 172 hộ dân tại xã Ba Lòng, xã A Vao. Sau khi nước rút, người dân đã trở lại sinh hoạt bình thường. Mưa lớn những ngày qua cũng gây ra một số thiệt hại các công trình tại huyện Hướng Hóa, Đakrông.