Quảng Nam:

Các hồ thủy điện cắt xén dung tích phòng lũ

(Dân trí) - Trong một báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đã cắt xén dung tích phòng lũ nên hầu hết không có khả năng điều tiết giảm lũ, chậm lũ…

Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là con sông lớn xếp thứ 9 của Việt Nam, vùng thượng nguồn có địa hình dốc từ Tây sang Đông, nhiều ghềnh thác, lại nằm trong khu vực có lượng mưa lớn, vì vậy lưu vực sông được đánh giá có tiềm năng nguồn thủy văn đứng thứ 4 trên toàn quốc.

Từ đặc điểm đó, trên vùng đầu nguồn Vu Gia - Thu Bồn có 58 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.600MW, điện lượng 6,525 tỷ KWh/năm. Trong đó, 10 dự án bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn do Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt quy hoạch với tổng công suất gần 1.100 MW, điện lượng gần 4,4 tỷ KWh/năm. Cùng 48 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng công suất là hơn 500 MW, điện lượng 2,160 tỷ KWh/năm.
 
Các hồ thủy điện cắt xén dung tích phòng lũ
Thiết kế dung tích phòng lũ ban đầu của hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 233 triệu m3 nước nhưng dung tích phòng lũ thực tế chỉ hơn 75 triệu m3 nước

Tuy nhiên, đó là con số thủy điện trước đây đã đưa vào quy hoạch, đến nay chỉ còn lại 44 thủy điện trên toàn tỉnh, trong đó có 10 thủy điện lớn do Bộ Công thương quản lý và 34 thủy điện nhỏ và vừa do tỉnh Quảng Nam quản lý.

Chỉ tính dung tích hồ chứa 10 thủy điện lớn đầu nguồn Vu Gia - Thu Bồn đã là hơn 3 tỉ m3 nước. Người dân Quảng Nam đang lo lắng với 10 quả “bom nước” treo lơ lửng trên đầu, không biết khi nào những "quả bom nước" ấy đổ xuống đầu họ.

Đơn cử như “quả bom” nước Sông Tranh 2, kể từ ngày tích nước gây động đất kích thích, rò rỉ nước qua thân đập khiến hàng chục ngàn dân vùng hạ lưu dọc sông Thu Bồn mất ăn, mất ngủ.

“Khi quy hoạch tổng thể dự án 10 thủy điện bậc thang đầu nguồn Vu Gia - Thu Bồn có tổng dung tích phòng lũ là 1.070 triệu m3 nước. Nhưng không hiểu sao khi đầu tư xây dựng các công trình thủy điện này, dung tích phòng lũ các hồ chứa đều bị cắt xén nên các hồ chứa này không có chức năng phòng lũ…” - Kỹ sư thủy lợi Nguyễn Minh Tuấn - Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão Quảng Nam lo lắng.

Tại cuộc họp với các “ông chủ” hồ thủy điện ngày 1/10 vừa qua, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - ông Nguyễn Thanh Quang - cho biết, tổng dung tích hồ thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn khá lớn, tuy nhiên hầu hết các thủy điện này có dung tích phòng lũ rất nhỏ so với dung tích toàn bộ công trình.

Theo đó, tổng dung tích của riêng 3 hồ thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4 khoảng 1,5 tỷ m3 nước, trong khi đó dung tích phòng lũ của 3 hồ này chỉ đạt 125 triệu m3. Đây là nhược điểm của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối với công tác phòng, tránh lũ ở hạ du.

Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh - cho rằng, các hồ thủy điện phải hết sức chú ý công tác phòng ngừa lũ lụt. Nếu dự báo thời tiết có mưa lớn thì các hồ phải xả lũ trước để đón nước về, nếu không trong khi trời mưa to gió lớn, nước biển dâng mà các hồ chứa đồng loạt xả lũ thì người dân ở giữa chỉ có nước chết.
 
Những dòng sông cạn khô dưới chân đập thủy điện
Những dòng sông cạn khô dưới chân đập thủy điện
 
Để chứng minh cho những lo lắng của mình khi mùa mưa bão đang cận kề, Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão Quảng Nam - ông Nguyễn Minh Tuấn - lục lại toàn bộ hồ sơ thiết kế cũng như những báo cáo mà ông “kêu gào” nhiều năm nay vẫn rơi vào im lặng.

Nếu so với quy hoạch ban đầu, các hồ thủy điện bậc thang trên đầu nguồn Vu Gia-Thu Bồn có tổng dung tích phòng lũ là 1.070 triệu m3, nhưng sau khi được điều chỉnh và thiết kế cụ thể từng công trình thì dung tích phòng lũ các hồ thủy điện chỉ còn chưa đầy 150 triệu m3.

Theo ông Tuấn, như vậy các hồ chứa thủy điện đều cắt xén toàn bộ dung tích phòng lũ như qui hoạch ban đầu. Và sau khi hoàn thành, các hồ thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hầu như không còn khả năng điều tiết giảm lũ, chậm lũ nữa.

Ngoài ra, hiện toàn bộ các hồ chứa thủy điện đã và đang xây dựng trên vùng đầu nguồn Quảng Nam đều không có cửa xả đáy sâu. Chỉ duy nhất hồ chứa Đắk Mi 4 sau khi hoàn thành mới xây dựng cửa xả đáy để trả lại dòng chảy tối thiểu khi các huyện hạ lưu Quảng Nam và TP Đà Nẵng “la làng” thiếu nước vào mùa khô.

Cũng tại cuộc họp với các “ông chủ” hồ chứa ngày 1/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã phải nói thẳng với các chủ nhà máy thủy điện rằng, nếu thủy điện làm ra tiền nhưng gây thiệt hại lớn cho người dân hơn số tiền thủy điện làm ra thì không nên làm thủy điện.

Điển hình của việc này là năm 2009, chỉ một cơn lũ từ thủy điện A Vương xả đã làm tổng thiệt hại của người dân lên đến trên 650 tỉ đồng, trong khi tiền thuế thu từ thủy điện này chỉ khoảng trên dưới 100 tỉ đồng một năm.

Bảng so sánh 10 hồ chứa thủy điện lớn sau khi thiết kế chi tiết và đã thi công hoàn thành đều cắt xén hơn 70-90% dung tích phòng lũ của hồ chứa. (Đơn vị tính: triệu mét khối)

TT

Tên công trình

Dung tích toàn bộ

(triệu m3)

Dung tích phòng lũ theo quy hoạch ban đầu (triệu m3)

Dung tích phòng lũ khi thiết kế

(triệu m3)

 

Chênh lệch

(triệu m3)

1

Sông Bung 2

230

83

7,19

-75,81

2

Sông Bung 4

512

188

47,28

-140,72

3

Sông Bung 5

26

0

0

0

4

A Vương 1

344

110

14,25

-95,75

5

Sông Côn 2

378

203

0

230

6

Sông Giằng

94

0

0

0

7

ĐăkMi 1

251

104

0

-104

8

ĐăkMi 4

516

149

2,2

146,8

9

Sông Tranh 1

32

0

0

0

10

Sông Tranh 2

631

233

75,52

157,48

 

Tổng cộng

3.014

1.070

146,44

923,56

 

Công Bính