1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Các đối tượng phải kiểm tra về phòng cháy chữa cháy

Văn Yên

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, các đối tượng này gồm nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phương tiện giao thông và công trình xây dựng trong quá trình thi công.

Tại Điều 11 quy định về kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy trong dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) quy định, các đối tượng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy bao gồm cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phương tiện giao thông và công trình xây dựng trong quá trình thi công.

Tại dự thảo luật cũng quy định về nội dung kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, trong đó bao gồm việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông theo quy định.

Các đối tượng phải kiểm tra về phòng cháy chữa cháy - 1

Cảnh sát tới các quán karaoke để kiểm tra về công tác PCCC (Ảnh: Văn Yên).

Ngoài ra còn có việc bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, cơ sở theo quy định.

Theo đơn vị soạn thảo luật, thẩm quyền kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện bởi người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra còn có UBND  cấp xã, cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Các quy định mới trong hợp tác quốc tế về PCCC&CNCH

Dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về PCCC&CNCH. Việc hợp tác quốc tế về PCCC&CNCH phải bảo đảm những nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ hai, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế hợp tác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ ba, mở rộng, phát triển đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phối hợp tìm kiếm, cứu nạn; đầu tư, xây dựng hạ tầng, công trình phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ tư, ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, khoa học, chuyển giao công nghệ; chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Cũng theo đơn vị soạn thảo luật, nội dung hợp tác quốc tế về PCCC&CNCH bao gồm các nội dung như trao đổi thông tin, học tập, tham khảo kinh nghiệm về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ chữa cháy, tìm kiếm, cứu nạn, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra còn có xây dựng hạ tầng, công trình phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Dự thảo luật cũng quy định, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, ngày 4/10 hằng năm được coi là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm