1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Các đại biểu bức thiết đề xuất làm Luật Biểu tình

(Dân trí) - Dự kiến chương trình làm luật Quốc hội khóa XIII, Luật Biểu tình nhận kiến nghị cần xây dựng ngay vì thực tế bức thiết. Tuy nhiên, các ý kiến phản biện cho rằng chỉ có thể làm luật này sau khi sửa Hiến pháp.

Các nội dung liên quan đến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận chiều 2/11.
 
Các đại biểu bức thiết đề xuất làm Luật Biểu tình - 1

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý trình bày dự kiến chương trình làm luật khóa XIII (ảnh: Việt Hưng).
UB Pháp luật - Cơ quan thẩm tra đề xuất chương trình do Bộ Tư pháp soạn thảo nhận định, việc ban hành luật này được nhận định là cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng có nhiều vấn đề chưa thực sự bức thiết trong thực tiễn cuộc sống nhưng vẫn “cố” đưa vào chương trình trong khi hiện tượng người dân tụ tập thể hiện ý kiến đang là vấn đề bức xúc trên cả nước.

Ông Khiết so sánh, Luật Phòng chống rửa tiền Quốc hội đang cho ý kiến trong kỳ họp này chủ yếu do sức ép xây dựng quy định theo thỏa thuận hội nhập quốc tế. Có làm xong luật này cũng còn khoảng cách lớn với nhận thức, thực tế đời sống của người dân. Luật Thư viện, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng chưa đến mức bức thiết, hoàn toàn có thể “nhường chỗ” cho Luật Biểu tình.

Việc hội họp, tụ tập thể hiện ý kiến về những vấn đề bức xúc, phản ánh cả mặt trái của xã hội là xu thế tất yếu, sẽ phát triển nhanh trong tương lai. Theo đó, đại biểu cho rằng cần đưa Luật Biểu tình vào chương trình chính thức xây dựng luật thay vì vẫn chỉ để ở chương trình dự kiến, để sớm có cơ chế, quy định điều chỉnh, giải quyết những bức xúc thực sự của đời sống.

Một đại biểu khác của Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh, cũng cho rằng không nên “sợ”, tránh thực tế cuộc sống, quy thành vấn đề nhạy cảm. Bà Khánh nhấn mạnh, cần sớm có luật để người dân có thể biểu tình, thể hiện chính kiến của mình một cách đúng luật.
 
“Hạ nhiệt” bức xúc của nhiều đại biểu, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo phân tích, khó có thể làm ngay Luật Biểu tình mà phải chờ sửa Hiến pháp. Theo dự kiến, việc sửa Hiến pháp 1992 sớm nhất cũng phải tới kỳ họp cuối năm 2014 mới hoàn tất. Vì vậy, nếu có đưa vào xem xét cũng phải để vào chương trình cuối khóa hoặc để lại khóa sau. Luật được đưa vào chương trình chuẩn bị là hợp lý.
 
Được biết, Luật Biểu tình do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất xây dựng khi Chính phủ bàn về việc soạn thảo các luật về hội họp, lập hội... Thủ tướng đề nghị, cần thiết có luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình vì thực tế đang đòi hỏi và đã giao Bộ Công an soạn thảo dự luật.
 
Luật Biểu tình là 1 trong số 19 dự án luật được đề xuất trong lĩnh vực xây dựng luật điều chỉnh về quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân nằm trong chương trình làm luật dự kiến của Quốc hội khóa XIII.

P.Thảo