Các cụ già vào rừng trồng… thuốc phiện
Chỉ trong một đợt triệt phá cây thuốc phiện, đoàn cán bộ đã tóm được cả chục cụ già ẩn nấp trong rừng để “canh tác” cây anh túc.
Các lực lượng gồm công an, quân đội, dân quân, chính quyền từ thôn bản đến tỉnh Sơn La, thậm chí cả Cục C17 ra sức triệt phá từ nhiều năm nay, song số lượng cây anh túc vẫn còn rất nhiều ở khu vực này.
Trồng thuốc phiện để hút
Có ba hướng để vào khu vực “tam giác vàng”. Hướng thứ nhất đi từ Phù Yên, lên xã Suối Tọ, rồi cứ đường rừng mà đi. Hướng thứ hai từ xã Háng Đồng của huyện Bắc Yên và hướng thứ ba từ xã Bản Mù của huyện Trạm Tấu.
Đường lên Suối Tọ chẳng khác nào đường lên trời. Suối Tọ là lãnh địa của người Mông. Những bản làng chìm nghỉm trong đại ngàn pơ-mu, ở độ cao trên dưới 2.000m so với mặt nước biển.
Trên độ cao này, quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu ẩm ướt, giá lạnh, rất phù hợp với cây thuốc phiện.
Hỏi chuyện trồng cây thuốc phiện, Chủ tịch xã Sồng A Lừ bảo: “Xã mình ngày xưa trồng thuốc phiện nhiều lắm. Giờ trồng ít rồi, nhưng vẫn còn. Mình chỉ mong Nhà nước nghĩ được một loại thuốc rồi cho máy bay đi rải khắp nơi để diệt tận gốc loài cây quái ác này”.
Là lãnh đạo xã 10 năm nay, nhưng Sồng A Lừ vẫn giữ được phẩm chất của người Mông là thật thà như đếm. Sồng A Lừ kể thẳng rằng: “Xã mình từng nghiện nhiều lắm. Không trồng thuốc phiện thì lấy gì mà hút. Năm cao điểm, xã có tới 170 người nghiện, bố đẻ mình cũng từng bị con ma thuốc phiện hành hạ…”.
Theo Sồng A Lừ, từ ngày Nhà nước phát động phong trào tìm diệt cây thuốc phiện, Suối Tọ trở thành điểm được phát động đầu tiên.
Sồng A Lừ nhớ, cách đây 10 năm, khi mới 25 tuổi, là Phó Chủ tịch xã Suối Tọ, có một đoàn cán bộ, toàn là các quan chức ở Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La, huyện Phù Yên, cùng lên xã Suối Tọ phát động nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện.
Các cán bộ gương mẫu đi đầu, gói cơm nắm, thịt hộp, balô, túi ngủ trèo qua đỉnh Pay Trò cao hơn 2.000m, quyết tâm vào vùng “tam giác vàng” tiêu diệt cây thuốc phiện. Trong đợt đó, đích thân Lừ cùng một số cán bộ xã phải khiêng một vị cán bộ bụng to ra khỏi rừng vì ông không thể leo núi được nữa.
Đợt ấy, hàng trăm ha thuốc phiện đã bị phát hiện, tiêu hủy và cũng từ đó người ta mới biết đến một vùng đất vẫn còn bạt ngàn thuốc phiện bị bỏ quên.
Cũng kể từ sau đợt phát động đó, dù trung ương, tỉnh, huyện đã ít quan tâm hơn, song Sồng A Lừ vẫn quyết tâm chỉ đạo các cán bộ xã hàng năm nhiều lần vào “tam giác vàng” tìm diệt loài cây giết người này.
Sồng A Lừ muốn cứu đồng bào Suối Tọ khỏi con ma thuốc phiện, cứu cả bố mình nữa, dù đã 70 tuổi vẫn bị nàng tiên nâu hớp mất hồn.
Với quyết tâm của các ban ngành trong xã, từ một vùng mà nương thuốc phiện nhiều hơn nương lúa, giờ đây, cây anh túc mỗi ngày một vắng bóng và số lượng người nghiện cũng ít dần. Bố đẻ của chủ tịch xã Sồng A Lừ cũng vừa cai nghiện thành công.
Như đợt triệt phá đầu năm 2010, lực lượng tìm diệt thuốc phiện đi suốt cả tuần trong rừng mà chỉ triệt phá được vài ngàn mét vuông cây anh túc. Tất nhiên, đó chỉ là con số vô cùng nhỏ so với diện tích trồng cây thuốc phiện trong thực tế, bởi để đi hết được ngóc ngách rừng già, theo lời Sùng A Lừ, phải cần tới vài chục năm cuốc bộ liên tục không nghỉ.
Cụ già trồng thuốc phiện
Theo Sồng A Lừ, những đối tượng nghiện cao tuổi hầu như không cai được. Họ đã nghiện quá lâu rồi, nên vẫn lén lút trồng thuốc phiện trong rừng sâu.
Họ vào tận vùng giáp ranh giữa ba huyện dựng lều, làm nương, rồi trồng thuốc phiện để hút, hút không hết thì đem bán kiếm tiền. Đấu tranh với những đối tượng này vô cùng khó khăn, vất vả, thậm chí, có thể nói thẳng ra là không có hiệu quả.
Trong những đợt triệt phá cây thuốc phiện, đoàn cán bộ xã thường xuyên tóm được cả chục cụ già ẩn nấp trong rừng để “canh tác” cây anh túc.
Mới đây, sau 5 ngày đêm cuốc bộ trong đại ngàn pơ-mu, đến cánh rừng giáp với bản Xá Là Nhì của Trạm Tấu, đoàn công tác đã bắt quả tang 3 cụ già đang dẫy cỏ chăm sóc nương thuốc phiện. Một cụ tên Giàng A Sính, 76 tuổi, vợ cụ Sính, 78 tuổi và một cụ nữa tên là Giàng A Pho, 77 tuổi.
3 cụ già dựng một cái lều, đốt rừng trồng ngô, sắn để lấy cái ăn, trồng thuốc phiện để lấy cái hút và để bán kiếm tiền. Lúc đó, cây thuốc phiện đã cao 50cm và bắt đầu ra quả.
Khi đoàn công tác ập đến hỏi: “Nương thuốc phiện này là của ai?”. 3 cụ già chẳng chối đây đẩy như đám ranh ma khác mà hồn nhiên nhận ngay: “Thuốc phiện của già đấy! Trồng gần chúng mày không cho, già phải đi thật xa để trồng, thế mà chúng mày vẫn tìm thấy thì già biết phải trồng ở đâu bây giờ?”.
Khi các cán bộ xã dùng gậy phạt ngang thân cây thuốc phiện, 3 cụ già cứ chạy theo khóc lóc van xin rất… thương tâm. Tổng số diện tích thuốc phiện mà 3 cụ trồng lên tới 600m2.
Với số diện tích này, thừa sức để khởi tố và 3 cụ già phải ngồi trại mọt gông. Tuy nhiên, xét tuổi tác các cụ, các cán bộ xã chỉ lập biên bản báo cáo huyện, rồi phạt hành chính mỗi cụ 500 ngàn đồng vì tội trồng thuốc phiện và 100 ngàn đồng tội phá rừng.
Sau vụ ấy, cả ba cụ đều đã về nhà, nhưng các cụ có tái trồng thuốc phiện hay không thì không rõ.
Rồi vợ chồng cụ Tráng A Tu, đều đã 80 tuổi, ở bản Suối Tọ, cũng chống gậy dìu nhau vào tận rừng già để trồng thuốc phiện.
Khi hai vợ chồng cụ Tu đang nhổ cỏ ở vườn thuốc phiện, Phó bí thư đoàn Sồng Văn Lanh xông đến bắt quả tang. Hai cụ trồng tổng cộng 40m2.
Thấy cán bộ đến, vợ chồng cụ Tu khóc như mưa: “Ông biết ông vi phạm rồi, nhưng ông xin các cháu tha cho. Các cháu có nhổ thì cứ nhổ chứ đừng vứt đi, để ông mang cây về nấu nước uống, chứ không có nó, ông chết mất!”.
Đợt gần đây nhất là vụ tóm cụ Dình, 80 tuổi, ở bản Suối Dinh, khi cụ đang chiết nhựa từ mảnh nương thuốc phiện rộng 100m2 giữa rừng già.
Khi bắt quả tang, cụ cũng khóc lóc khiếp lắm. Phá nương thuốc của cụ rồi, thương quá, Chủ tịch xã Sồng A Lừ biếu cụ 50 ngàn đồng để mua thức ăn bồi dưỡng.
Từ khi nương thuốc phiện của cụ Dình bị phá, không thấy cụ lên nương nữa mà cứ nằm bẹp ở nhà.
Tôi nhờ Sồng A Lừ dẫn đến nhà cụ Dình, nhưng Lừ bảo, cụ Dình vừa mất xong. Lừ cũng không rõ cụ chết vì bệnh tật, già yếu hay vì không có thuốc phiện hút.
Theo Quân Lê
VTC