1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Vụ “tuồn” hơn 300 trẻ ra nước ngoài ở Nam Định:

Các bị cáo khuyên nhau “nhận tội cho nhanh”

(Dân trí) - Phần xét hỏi Giám đốc Trung tâm Ý Yên Trần Thị Lương đủ cả hỉ, nộ, ái, ố với những màn đối chất nảy lửa ngay tại tòa. Bị cáo phủ nhận mọi hành vi, “lơ” cả đồng phạm nhưng bị lật tẩy bởi nhiều lời khai mâu thuẫn…

Cãi trắng

Bước vào phần xét hỏi, Trần Thị Lương phủ nhận hoàn toàn những nội dung cáo buộc việc tổ chức thu gom trẻ, làm hồ sơ giả để hợp thức hóa thủ tục. Trong số 112 trẻ tiếp nhận về trung tâm, bà Lương chỉ nhận gần 20 trường hợp mình quyết định, còn lại hơn 90 cháu do các bảo mẫu, bảo vệ nhận, nguồn gốc ở đâu, Giám đốc Trung tâm không hề biết.
 
Các bị cáo khuyên nhau “nhận tội cho nhanh” - 1
Trần Thị Lương cãi trắng mọi tội trạng tại tòa

Bị cáo lý giải, ngay từ khi thành lập Trung tâm  (tháng 3/2006), đã không hề muốn nhận nuôi trẻ vì cơ sở vật chất khó khăn, tài chính eo hẹp. Mục đích lập ra Trung tâm, theo Trần Thị Lương, chủ yếu để xin dự án, hút tài trợ rót sang Quỹ bảo trợ trẻ em của huyện mà bị cáo phụ trách.

Trần Thị Lương chỉ xác nhận có tiếp nhận 4 bà bầu về nuôi tại Trung tâm tới khi sinh nở nhưng cũng là bất đắc dĩ, “quá xót cho hoàn cảnh” của những phụ nữ lỡ dở. Những trường hợp này, bị cáo biết không đúng đối tượng nhưng vẫn nhận vì… tình thương.

HĐXX lập tức cho Trương Công Lịch, trạm trưởng y tế xã Yên Lương lên đối chất.

Lịch khai rành mạch đã 13 lần trực tiếp, 38 lần hướng dẫn, tổ chức cho nhiều Trạm trưởng y tế xã làm giả hồ sơ trẻ bị bỏ rơi, được Trần Thị Lương trực tiếp chi cho 12,5 triệu đồng. Bà Lương cũng là người đặt vấn đề nhờ các Trạm trưởng y tế xã cộng tác, giúp đỡ trong buổi gặp gỡ dịp khai trương Trung tâm.

Trạm trưởng y tế xã Yên Tiến Vũ Đình Lợi khi đối mặt trước vành móng ngựa cũng khẳng định được bà Lương giao cho một mẫu hồ sơ photocopy đã hoàn thiện, các bộ sau cứ vậy làm theo. Mỗi hồ sơ, Lợi được bà Lương chi lại 2-2,5 triệu đồng.

Tổng cộng 15 bộ giá 36 triệu nhưng bà Giám đốc hiện vẫn đang nợ tiền 3 bộ hồ sơ.

Trong số 15 bộ hồ sơ đã làm cũng chỉ có 1 trường hợp Lợi bàn giao có kèm trẻ được sinh tại trạm y tế xã mình, còn lại đều làm để hợp thức hóa cho những cháu  mà Trung tâm đã gom về nuôi trước đó.

Khuyên nhau nhận tội

Đến lượt đồng phạm là Trần Trọng Lãm lên đối chất, Lương phủ nhận luôn việc có quen biết, từng gặp gỡ bị cáo này. Tuy nhiên, Lãm trình bày đã 2 lần gặp gỡ, trao đổi với Lương về việc giới thiệu trẻ khi bà Giám đốc trực tiếp đi đón 2 cháu bé mà Lãm giới thiệu qua người dẫn mối Trần Văn Sơn. Một lần khác, Lãm cùng trạm trưởng y tế xã Liên Bảo (huyện Vụ Bản) Cao Như Mô được Lương trực triếp dẫn đi tham quan Trung tâm.
 
Các bị cáo khuyên nhau “nhận tội cho nhanh” - 2
Trần Thị lương, Vũ Đình Khản - 2 bị cáo chủ chốt trong vụ án
 

Bị cáo Mô miêu tả sinh động, buổi đi tham quan đó, bà Lương còn giới thiệu số trẻ đang được nuôi tại Trung tâm và còn “bắt tay bị cáo trong phòng làm việc ở đầu hồi dãy nhà”.

Trần Thị Lương khi ấy mới giải thích quanh: có thể Mô đặc biệt nên bị cáo nhớ, còn Lãm thì không. Nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa không nén giọng gay gắt ngắt lời: “Cả 3-4 người đều khai thống nhất thế. Họ có động cơ gì để đổ oan cho bị cáo để bản thân vướng vòng lao lý, gia đình phải bỏ tiền túi trả hàng chục triệu đồng đền bù số họ đã nhận được từ bị cáo?”.

“Lợi, Lịch, Lãm có thể do Trần Văn Sơn mà thống nhất nhau đổ tội cho tôi. Họ đang mơ là Sơn lo cho họ một việc gì đó”, Trần Thị Lương đáp một hơi.

Lần này đến lượt Lãm ngắt lời bà Giám đốc: “Bằng này tuổi đầu rồi, hùa với nhau để đổ tội cho  một con người làm gì. Tội đến đâu thì hãy nhận đến đấy cho nhanh, chị Lương ạ”. Phòng xử án cười rần rần. Nhóm bị cáo ngồi phía sau vành móng ngựa húng hắng ho khan. Vũ Đình Khản mím môi, mặt đỏ tía, phì ra tiếng cười không kịp nén.

P.Thảo