Hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2014 của Hội Nhà báo Việt Nam

Các bài viết về Việt Nam chỉ chiếm 0,01% trên báo chí các nước

(Dân trí) - Theo bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhu cầu cung cấp thông tin Việt Nam ra thế giới rất lớn, nhưng lượng thông tin truyền thông ra bên ngoài còn rất ít…

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2014 với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam gắn với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Hội  Nhà báo Việt Nam (HNBVN)  tổ chức  trong 2 ngày 17 – 18/4, tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trên diễn đàn  tham luận, đánh giá cao HNBVN  các cấp từ trung ương đến các địa phương.

 

Theo bà, Hội đã có những nỗ lực hết sức to lớn trong đổi mới công tác mọi mặt, thực sự phát huy vai trò của mình và đóng góp rất quan trọng trong việc cổ vũ, động viên các nhà báo trong cả nước thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam, xây dựng đào tạo đội ngũ nhà báo theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, trách nhiệm hơn và góp phần tích cực vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí để vừa hoàn thiện khung pháp luật cho báo chí, vừa tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt hơn và đưa ra những khuyến nghị, có tiếng nói cao hơn trong bảo vệ nhà báo.
 
Bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tham luận tại Hội nghị (ảnh: Lan Phương)
Bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tham luận tại Hội nghị (ảnh: Lan Phương)

 

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Nga cho biết theo thống kê chưa chính thức, số bài viết về Việt Nam  chưa đến 0,01% so với tổng số các bài viết khác đăng tải trên mặt báo các nướcHiện nay đất nước chúng ta đang bước sang giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu sắc, toàn diện, chủ động, tích cực vào đời sống quốc tế, nhu cầu cung cấp thông tin Việt Nam ra thế giới rất lớn, nhưng lượng thông tin truyền thông ra bên ngoài còn rất ít như vậy. Trong triển khai đường lối đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại với lực lượng chủ chốt là các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên báo chí có vai trò rất quan trọng, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam. Đây là yêu cầu cấp thiết để nâng vị thế của Việt Nam ra thế giới.

 

Để đáp ứng được yêu cầu trên, bà Nguyễn Phương Nga kiến nghị báo chí cần đổi mới hơn nữa về nội dung và phương thức tiến hành, và đặc biệt cần sự đổi mới trong sự phối hợp giữa các cơ quan về phụ trách thông tin đối ngoại, với các cơ quan quản lý báo chí, HNBVN và với các cơ quan báo chí địa  phương để tăng cường, định hướng thông tin kịp thời, chính xác và phối hợp hành động để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

 

Hội nghị cũng đánh giá cao hoạt động kiểm tra của Hội năm 2013 vừa qua  đã được đẩy mạnh, công tác bảo vệ quyền tác nghiệp, bảo vệ hội viên, xử lý đơn thư khiếu nại, khiếu kiện được quan tâm, các vụ cản trở hoạt động nghiệp vụ của hội viên giảm đáng kể. Ban Kiểm tra của Hội cũng đã tiếp nhận và xử lý 76 đơn thư khiếu nại liên quan tới việc báo chí thông tin không đúng sự thật và nhà báo vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp.

 

Tổ chức HNBVN có 288 tổ chức cơ sở hội gồm 63 Hội tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 206 chi hội trực thuộc với số lượng trên 20.000 hội viên. Năm 2013, Hội đã tiếp tục quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nâng cao vai trò của Hội trong quản lý, chỉ đạo báo chí, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư để nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo trong thời kỳ mới, thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về  đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Năm 2013, Hội đã tổ chức 74 lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho 2115 hội viên, tăng gần gấp đôi năm 2012. Chất lượng giải báo chí Quốc gia lần thứ VII được nâng cao, tạo dấu ấn tốt đẹp trong dư luận. Hoạt động của Hội khởi sắc, các cấp hội đã có nhiều cố gắng, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thể hiện rõ vai trò của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo. 

 

Năm 2014 là năm các cấp hội chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ X của Hội dự kiến vào cuối năm 2015, với nhiệm vụ tổng quát là: Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh gắn với việc nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và đạo đức của người làm báo, coi đây là việc làm thường xuyên, là cơ sở để xây dựng các cấp Hội trong sạch, vững mạnh; Triển khai toàn diện các mặt công tác, bảo đảm các hội viên – nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, làm tốt công tác thông tin báo chí, nghiêm túc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tổ chức tốt các hoạt động thường xuyên như xây dựng tổ chức công tác hội, công tác kiểm tra, công tác nghiệp vụ và các hoạt động khác. Hội nghị nhất trí về 14 nhiệm vụ trọng tâm về các mặt công tác nhằm đẩy mạnh toàn diện hoạt động của các cấp hội, qua đó thúc đẩy hơn nữa chất lượng hoạt động của các cấp hội.

 

Nguyễn Đoàn