Cả xóm bị… mổ bụng
Nhà ông Năng ở xóm Gốc Thị, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên có 4 người bị mổ bụng. Xóm có 160 nóc nhà thì có khoảng ít nhất 120 người đã bị phẫu thuật cắt ruột thừa. Hễ đau bụng là người ta đến bệnh viện để cắt.
Xóm Gốc Thị có 165 hộ dân, đều là người dân tộc Sán Dìu, chỉ có một gia đình người Kinh. Ông Xương, sinh ra lớn lên tại đây, đã 10 năm làm trưởng xóm, cho biết không hơn 100 người trong xóm bị mổ chỉ là con số mà ông nhớ được, số thực có thể cao hơn rất nhiều.
Ông Vi Văn Năng, 50 tuổi, cho biết chỉ trong vài năm qua, nhà ông đã có 4 người bị mổ bụng cắt ruột thừa. Riêng ông bị đau khủng khiếp và bị vỡ ruột thừa tí nữa thì chết.
“Tôi bị đau từ đêm, lúc đầu nó cũng đau bình thường, cứ tưởng mình bị rối loạn tiêu hoá do phàm ăn. Đến 2 giờ sáng thì nó đau như có ai dùng vồ nện vào bụng mình, phải đi viện. Y tế cơ sở họ kém lắm, họ tiêm và cho tôi uống thuốc (điều tối kỵ khi điều trị ruột thừa), càng đau hơn”. Lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, ông được mổ cắt ruột thừa.
Người ông Năng gầy đét, vết mổ trái nắng trở trời lại đau, ngứa. Vợ ông, 48 tuổi, tên là Đàm Thị Tư, cũng bị mổ ruột thừa năm ngoái. Tiếp đến là con rể ông Năng bị mổ bụng do viêm ruột thừa. Tháng 2/2006, đến lượt cô cán bộ y tế thôn bản Vi Thị Hải, con gái ông Năng, cũng bị cắt ruột thừa nốt.
Ông Xương, ông Năng nói: “Bây giờ bà con cứ râm rẩm đau bụng là chạy tá hoả lên Bệnh viện Đa khoa, người nhà cứ chuẩn bị đi vay tiền “đặt cọc” mà mổ ruột thừa thôi. Sống giữa những bãi quặng sắt khổng lồ đang bị đào bới xới lộn này, hãi lắm. Không mấy nhà thoát khỏi có người bị mổ bụng cắt ruột thừa đâu. Nhà có 2 người (bị mổ) là nhiều; đa số nhà có 1 người”.
Có nhiều người 65 tuổi vẫn đi cắt ruột thừa, có cháu bé 7 tuổi đã bị mổ bụng. Có người như anh Vi Đức Thành, lúc lên đến tỉnh thì ruột thừa đã vỡ rồi, phải “tuốt rửa” cả ổ bụng vì nguy cơ nhiễm trùng rất lớn, hút chết. Nhiều gia đình quá nghèo, cứ có thành viên nào đau bụng là bố cõng con sang nhà bác Sông, một y sĩ quân y nghỉ hưu, mẹ chạy đi giật nóng tiền để chuẩn bị đến bệnh viện. Y như rằng là bệnh ruột thừa và dĩ nhiên phải mổ bụng.
Tại sao nhiều người trong xóm đau ruột thừa?
Chưa có chuyên gia nào giải thích lý do ra đời của làng đau ruột thừa, làng mổ bụng Gốc Thị. Nhưng giữa điệp trùng những núi quặng sắt đỏ au bị ba doanh nghiệp đào bới xới lộn ngay cạnh nhà mình như thế, không ai là không đặt dấu hỏi về vấn đề môi trường ô nhiễm.
Nước rửa quặng đặc sánh trên hồ của doanh nghiệp thấm xuống đất, theo nước mưa làm ô nhiễm toàn bộ ao chuôm, các mạch nước ngầm mà bà con vẫn ăn (tất cả bà con đều ăn nước giếng).
Bác sĩ Đinh Khắc Bình, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, nơi trực tiếp mổ hầu hết các ca đau ruột thừa ở thôn Gốc Thị, cho biết: Bệnh viện không bao giờ làm thống kê liên quan đến vùng dân cư nào bị đau ruột thừa nhiều. Tuy nhiên, thông tin về xóm Gốc Thị làm ông rất ngạc nhiên. Ông Bình cho biết có thể bệnh viện sẽ khảo sát về hiện trạng này. |
Theo Lao Động