Cả nước có thể giảm 14 huyện và 619 xã sau sáp nhập

Hoài Thu

(Dân trí) - Với phương án sáp nhập 50 huyện và 1.243 xã, dự kiến số huyện sẽ giảm được 14 đơn vị và số xã giảm được 619 đơn vị. Trong đó, có 19 huyện phải sáp nhập nhưng đề nghị không thực hiện do có "đặc thù".

Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện phải sáp nhập là 50 đơn vị. Sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị.

Trong khi đó, có 19 huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù.

Đối với cấp xã, tổng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.

Cả nước có thể giảm 14 huyện và 619 xã sau sáp nhập - 1

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Hải Minh).

Việc sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.

Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn khoảng 6 tháng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh cho biết khối lượng công việc đã làm được khoảng 60% công việc, nhưng 40% công việc còn lại rất khó khăn, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Vì thế, phải có sự nỗ lực quyết tâm lớn.

"Những nhiệm vụ còn lại đều rất khó, nhạy cảm, đụng chạm đến chế độ, chính sách nên phải làm kỹ lưỡng", theo lời Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo cũng như của các địa phương trong việc hoàn thành khối lượng lớn công việc trong thời gian ngắn vừa qua.

Theo ông Quang, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay thuận lợi hơn so với đầu nhiệm kỳ do có kinh nghiệm hơn, thậm chí có 20 địa phương chủ động đề xuất sắp xếp địa giới hành chính cấp huyện để có dư địa phát triển.

Cả nước có thể giảm 14 huyện và 619 xã sau sáp nhập - 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: Hải Minh).

Ngoài ra, các giải pháp đề ra cũng hài hòa hơn, tôn trọng kiến nghị hợp lý của cơ sở. Phó Thủ tướng đề ra 5 nguyên tắc triển khai thực hiện công việc khó khăn, phức tạp này.

Một là thủ tục rút gọn nhất có thể. Hai là cái gì có thể cho nợ được thì cho nợ, với điều kiện đáp ứng được yêu cầu cụ thể, còn nếu dàn hàng ngang trong 6 tháng sẽ làm không xong.

Ba là những nhiệm vụ không thể thực hiện được thì chuyển sang giai đoạn sau nhưng phải hạn chế đến mức tối đa. Bốn là triển khai đồng thời những nhiệm vụ còn lại để bảo đảm tiến độ và năm là tôn trọng ý kiến của cơ sở, tránh máy móc.

"Chúng ta không máy móc, vì sướng hay khổ cơ sở chịu và việc triển khai như thế nào bên dưới phải làm, còn trên chỉ duyệt đề án, tức là xác nhận đề xuất từ cơ sở. Còn việc triển khai, vận động cán bộ công chức dôi dư nghỉ việc sớm, chuyển nơi làm việc là việc của địa phương… chúng ta cần phải tôn trọng anh em cơ sở, nếu không chúng ta sẽ thất bại", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến để Bộ Nội vụ hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2024, sớm trình Phó Thủ tướng ký ban hành.

Ông cũng yêu cầu phải "làm thật tốt và hiệu quả" công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, trong đó có mạng xã hội với nội dung ngắn gọn, dễ tiếp cận, có giá trị truyền thông lớn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, từ 1/1 đến 29/7/2023 có hơn 5.000 tin bài phản ảnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Từ khi có Nghị quyết của Chính phủ đến nay (30/7/2023), có hơn 4.500 tin bài về nội dung này.

Theo ông Lâm, nhìn chung dư luận xã hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, luân chuyển cán bộ "không có gì tâm tư", thậm chí là khuyến khích, hoan nghênh tinh bộ máy tinh gọn, siết chặc kỷ luật, kỷ cương.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho biết tới đây Bộ sẽ triển khai mỗi xã có một kênh thông tin chính thống đến người dân qua Zalo.