1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cà Mau “xin” Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hàng trăm tỷ đồng cứu đê biển

(Dân trí) - Qua khảo sát của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau còn nhiều đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, cần triển khai hộ đê khẩn cấp.

7 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với nguy cơ vỡ đê

Những ngày vừa qua, thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Trong đó, tình trạng sạt lở tuyến đê biển Tây là rất nghiêm trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã phải ban hành quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây trên địa bàn tỉnh này.

Cà Mau “xin” Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hàng trăm tỷ đồng cứu đê biển - 1

Sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau vừa qua.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra, rà soát tuyến đê biển Tây của ngành chức năng cho thấy, hiện nay còn 21 đoạn sạt lở, với chiều dài gần 30.300 m.

Trong đó, có 7 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, cần triển khai hộ đê khẩn cấp; 8 đoạn sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến đê biển cần được xử lý sớm; 6 đoạn bị sạt lở cần được xử lý ngay trong mùa mưa bão năm 2019.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, kinh phí để khắc phục sạt lở đối với 7 đoạn có nguy cơ vỡ đê dự kiến là hơn 70 tỷ đồng. 

Với những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển cần phải xử lý sớm, theo UBND tỉnh Cà Mau, kinh phí dự kiến để khắc phục là hơn 156 tỷ đồng. 

Do đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí hơn 226 tỷ đồng để tỉnh triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây nêu trên, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cà Mau “xin” Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hàng trăm tỷ đồng cứu đê biển - 2

Tiến hành khắc phục đê biển bị sạt lở.

Nhiều kiến nghị khẩn cấp

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời thiết, thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở đê biển, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương thống nhất để tỉnh Cà Mau thực hiện cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển.

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, nếu làm đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian, không thể xử lý kịp thời sự cố, dẫn đến vỡ đê, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho địa phương.

Cà Mau cũng kiến nghị Trung ương xem xét cho tỉnh được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ vốn ODA (không áp dụng cơ chế vay lại vốn ODA) đối với các dự án đầu tư xây dựng đê biển, kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì đây là các dự án không sinh lợi nên không có khả năng thu hồi vốn.

Cà Mau “xin” Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hàng trăm tỷ đồng cứu đê biển - 3

Nhà dân bị ảnh hưởng không nhỏ sau khi thủy triều dâng, sóng cao tràn qua đê biển. (Ảnh CTV)

Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương hỗ trợ 140 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho tỉnh triển khai khẩn cấp Dự án đầu tư hạ tầng tái định cư, di dời dân di cư tự do, dân sinh sống vùng thiên tai nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và từng bước ổn định đời sống cho 646 hộ dân.

Ngoài ra, Cà Mau còn kiến nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; dự án kè chống sạt lở cấp bách và dự án di dời dân cư khẩn cấp tại các khu vực thiên tai cần được đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2020 với nhu cầu khoảng 1.179 tỷ đồng và giai đoạn 2020 – 2025 với nhu cầu khoảng 547 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tổng hợp trình Chính phủ hỗ trợ 80 tỷ đồng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển Đông khu vực cửa biển Rạch Gốc và cửa biển Vàm Xoáy. Do đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, hỗ trợ đủ vốn thực hiện các dự án còn lại.

Huỳnh Hải