Cà Mau: 7 tháng, thiên tai “thổi bay” 25 tỷ, cần hàng chục tỷ để khắc phục

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Ngày 5/8, tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại đáng kể trên địa bàn tỉnh này.

Qua thống kê của các địa phương, từ đầu năm đến nay (7 tháng), thiên tai đã làm chìm 9 tàu cá của ngư dân và 1 sà lan, làm 11 người mất tích trên biển.

Ngành chức năng đã tìm thấy 9 người, trong đó có 4 người còn sống, 5 người chết và 2 người hiện vẫn còn mất tích.

Mưa gió, giông, lốc xoáy đã làm sập hoàn toàn 65 căn nhà, tốc mái hơn 450 căn; trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 làm hơn 330 căn nhà hư hỏng.

Cà Mau: 7 tháng, thiên tai “thổi bay” 25 tỷ, cần hàng chục tỷ để khắc phục - 1

Một tuyến đường giao thông ở Cà Mau vừa qua bị sụt lún nghiêm trọng.

Đặc biệt, vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau tiếp tục diễn biến phức tạp, khi chiều dài sạt lở đến 108km, làm hư hỏng nhiều tuyến đường, nhà dân. Bên cạnh đó là tình trạng sụt lún vào mùa khô hơn 1.300 vị trí ở nhiều tuyến đường giao thông, với chiều dài trên 42km.

Không chỉ lộ giao thông, mà tuyến đê biển Tây qua địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh cũng bị sụt lún dài hơn 240m. Ngoài ra, tuyến đê biển này cũng đã xuất hiện các vết nứt sụp lún từ 60cm - 120cm, với chiều dài gần 6km.

Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai xử lý khắc phục khẩn cấp các đoạn bị sụt lún và có nguy cơ sụt lún đê biển Tây từ Đá Bạc đến Kênh Mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Trong đó, xử lý hộ đê khẩn cấp bằng giải pháp thảm đá bọc PVC và xếp rọ đá phía biển, chiều dài hơn 4,8km, kinh phí 50 tỷ đồng; xử lý sạt lở bảo vệ đai rừng phòng hộ đê biển Tây bằng giải pháp thả rọ đá, dài gần 2km, kinh phí 8,5 tỷ đồng; xử lý tạo phản áp khắc phục sạt lở, sụt lún đê bằng giải pháp bơm đất vào kênh mương đê, dài 3,5km, kinh phí 15 tỷ đồng. 

Nguyên nhân được các cơ quan chuyên môn đưa ra là do hạn hán kéo dài làm các kênh, rạch khô cạn, mất áp lực nước lên bờ kênh nên gây ra hiện tượng, sạt lở, sụt lún, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, kinh tế của người dân.

Những tháng mùa khô hạn đầu năm 2020, theo ngành chức năng Cà Mau, đã có hơn 20.495 ha lúa, 51 ha rau màu, trên 16.557 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Đỉnh điểm mùa khô còn làm hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, cũng như nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy ở mức cảnh báo cấp V (có 6 vụ cháy rừng với diện tích khoảng 1,5 ha).

Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở đất ven sông, biển, sụp lún đường giao thông trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh, phức tạp, nhưng kinh phí còn hạn chế nên chưa thể xử lý triệt để, đồng bộ, dẫn đến mất đất, mất rừng, thiệt hại tài sản của nhân dân.

Qua thống kê, trong khoảng 7 tháng, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau là gần 25 tỷ đồng.

Cà Mau: 7 tháng, thiên tai “thổi bay” 25 tỷ, cần hàng chục tỷ để khắc phục - 2
Cà Mau: 7 tháng, thiên tai “thổi bay” 25 tỷ, cần hàng chục tỷ để khắc phục - 3

Xử lý khắc phục sụt lún đê biển Tây. (Ảnh: CTV)

Với những tháng cuối năm 2020, Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động các biện pháp phòng ngừa, kịp thời ứng phó, khắc phục nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong đó, khẩn trương khắc phục ngay tình trạng sụt lún đê biển Tây, đặc biệt là những đoạn xung yếu đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, không để vỡ đê, nhất là vào mùa mưa bão.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm