Hà Nam:
Cả làng tất bật nổi lửa kho cá
(Dân trí) - Từ một món ăn truyền thống làng quê, cá kho làng Vũ Đại dần dần trở thành món quà Tết không thể thiếu dịp cuối năm. Từ kho cá, nhiều hộ dân ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân đã phất lên trông thấy. Tết đến xuân về, cũng là lúc cả làng “Chí Phèo” nổi lửa nấu cá phục vụ Tết.
Chúng tôi đến xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, vào những ngày giáp Tết. Mới bước đến đầu làng đã nghe mùi vị thơm nồng đặc trưng của cá kho. Đâu đâu cũng thấy người dân đang tập trung làm những nồi cá kho để phục vụ thị trường trong nước và cả nước ngoài. Khách thập phương những ngày này cũng đổ về các cơ sở sản xuất cá kho để mua cá kho Đại Hoàng về làm quà Tết.
Cá kho của làng Vũ Đại, hay còn gọi là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam rất đặc biệt. Cá kho ở đây là một nghề lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để có một nồi cá kho giá trị phải qua rất nhiều công đoạn tuyển chọn và đun nấu nghiêm ngặt.
Cá kho ở Đại Hoàng chủ yếu là loại cá trắm đen. Cá được ướp bằng riềng, kho trong niêu đất và ăn vào dịp Tết Nguyên đán. Thường thì vào khoảng thời gian đầu tháng Chạp hàng năm, các gia đình ở làng Đại Hoàng lại được dịp tất bật chuẩn bị củi đun, niêu đất để vào mùa kho cá Tết.
Trước đây món cá kho là món thường ngày của những người dân lam lũ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
Trước đây món cá kho là món thường ngày của những người dân lam lũ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Có lẽ vì thế mà mâm cơm tất niên ngày cuối năm dù có bận đến mấy thì gia đình nào cũng phải có một niêu cá kho đặt cạnh chiếc bánh chưng dâng tổ tiên. Cũng từ đấy cá kho được người dân nơi đây xem như món quà biếu lúc Tết đến xuân về, có lẽ cũng từ đó món cá kho Đại Hoàng được nhiều người biết đến.
Người dân làng Đại Hoàng kho cá bán quanh năm nếu có đơn đặt hàng. Nhưng cơ hội để làm ăn trong năm là vào dịp Tết Nguyên đán. Có những gia đình kho cả tấn cá để bán ra các địa phương lân cận, thậm chí xuất bán cả ra nước ngoài, phục vụ kiều bào ăn Tết xa quê hương.
Cá kho Đại Hoàng ngày nay trở thành một món "hot" trên thị trường trong dịp cuối năm
Trước đây, nhiều cơ sở sản xuất cá kho phải từ chối đơn đặt hàng của khách vì không thể làm kịp. Phần nhiều từ chối khách hàng vì người làm không đủ, để làm được một niêu cá kho đúng chất, phải là người có kỹ thuật, tỉ mỉ nên các cơ sở sản xuất cũng không dám “nhắm mắt” để làm cho khách vì sợ mất uy tín.
Những năm trở lại đây, nghề kho cá Đại Hoàng nở rộ khắp nơi, nên việc mua được niêu cá cũng không phải quá khó khăn như trước. Nhiều cơ sở nấu cá mọc lên như nấm, nhưng “bùng nổ” nhất là dịp cuối năm khi gần như cả làng này đều kho cá.
Nhà không kinh doanh thì đi làm thuê cho các hộ kinh doanh với tiền công cũng từ 500 đến 600 nghìn đồng/ngày. Trung bình mỗi cơ sở thuê từ 7 đến 10 người làm từ 12 đến 14 tiếng, nhưng công việc thì cực kỳ vất vả. Không cẩn thận lại phải đền cả mẻ cá cho chủ nhà thì coi như “mất Tết”.
Theo anh Trần Công Dương là chủ cơ sở cá kho Dương Trần, xã Nhân Hậu: “Khoảng vài năm trở lại đây, ở xã Hòa Hậu có rất nhiều hộ nấu cá kinh doanh, công việc làm ăn cũng rất cạnh tranh, nhưng không phải hộ nào cũng “làm liều” kiểu để lấy số lượng thay chất lượng vì sợ mất uy tín”.
Cũng theo anh Dương, cơ sở của anh hiện nay vẫn đang được thực khách đặt hàng khá nhiều, xa nhất là các tỉnh trong Nam. Dịp cuối năm vẫn là dịp bán hàng chạy nhất, nhưng nhiều cơ sở cũng không dám sản xuất đại trà như trước đây mà dựa vào đơn đặt hàng để cân đối.
Anh Nguyễn Thái Hưng, một người dân ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam cho biết: “Năm nào tôi cũng mua khoảng hơn 10 niêu cá để làm quà tết biếu anh em, bạn bè ở xa, nhiều người lâu cũng không về quê hương, nhưng có niêu cá kho Đại Hoàng ngày tết họ cũng cảm giác gần gũi ấm áp hơn”.
Theo ông Trần Xuân Thực, chủ cơ sở sản xuất cá kho Phong Thực, hiện nay để thu hút khách hàng, nhiều cơ sở cũng đặt ra nhiều cách làm khác nhau, đặc biệt họ rất chú ý đến việc đóng hộp làm sao cho bắt mắt, hợp với gói quà ngày Tết.
Những ngày này khách thập phương đổ xô về đây để đặt hàng. Mỗi một nồi cá kho có giá thấp nhất là từ 500 đến 700 nghìn đồng, đắt nhất là 1 triệu đến 1 triệu 2.
Cá kho Đại Hoàng được người dân bán quanh năm, nhưng tất bật và bận rộn nhất vẫn là những ngày giáp tết. Người dân bắt đầu kho cá từ ngày 9 tháng Chạp và hết tháng Giêng âm lịch, nhất là những ngày như rằm tháng Chạp, dịp tết Ông Công, Ông Táo. Những ngày này khách thập phương đổ xô về đây để đặt hàng. Mỗi một nồi cá kho có giá thấp nhất là từ 500 đến 700 nghìn đồng, đắt nhất là 1 triệu đến 1 triệu 2.
Sau khi có lượng khách nhất định và khẳng định được thương hiệu cá kho Đại Hoàng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam đã phối hợp với UBND xã Hòa Hậu lấy logo cũng như hộp đựng sản phẩm cá kho Đại Hoàng. Từ phát việc giới thiệu sản phẩm cá kho Đại Hoàng đến người tiêu dùng trong nước, dần dần cá kho Đại Hoàng cũng đã “xuất ngoại” và gây được những ấn tượng nhất định.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã nhận được quyền quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam. Tỉnh Hà Nam cũng là tỉnh đầu tiên trong nước xây dựng thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu vùng - một nhãn hiệu cho phép đăng ký cho nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Hà Nam.
Đức Văn