1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cả làng rủ nhau buôn chim cảnh

(Dân trí) - Cả xã Bình Quý (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có đến hàng trăm người hàng ngày chia nhau tỏa đi khắp các thành phố lân cận buôn chim cảnh. Nhờ thú chơi chim đang thịnh hành mà người buôn chim sống được, song cũng lắm gian nan.

Buôn có hội mới đắt hàng

Trưa một ngày tháng 1/2011, đang mùa bà con xôn xao đi sắm Tết, giữa bao nhiêu quầy hàng di động ngược xuôi đoạn đường trước siêu thị Bài Thơ (Đà Nẵng), chúng tôi gặp một hội hơn mười người buôn chim cảnh đang “tập kết” ở đây. Trong những lồng gỗ lớn nhỏ, cơ man nào là chim cảnh, từ chim vàng anh, chim sáo, hồng tước,… đến những loài chim quý như khướu đủ sắc màu sặc sỡ. 

Cả làng rủ nhau buôn chim cảnh - 1

Hội bán chim cảnh từ làng Bình Quý

Chị Nguyễn Thị Lâm (người xã Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam) vừa giở vạt vải che lồng chim vừa giải thích: “Buôn chim kiểng phải có hội người ta mới tới xem rồi mua. Chứ kinh nghiệm chia lẻ ra bán, có chạy xe cả tuần cũng không bán được một con. Thấy cả hội như vậy là họ biết mình từ làng Bình Quý, làng buôn chim kiểng có tiếng ra. Không chỉ có hội bọn tôi mà ở Bình Quý có cả trăm nhà sống bằng nghề buôn chim kiểng. Cứ sáng ra là nhóm mỗi hội khoảng 15- 50 xe chim kiểng chia nhau đi Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng... Đứng đông như vầy nên không dám đứng lâu, sợ trật tự (các đội quản lý trật tự đô thị-PV) tới bắt phạt thì nguy”.

Theo những người buôn chim cảnh ở Bình Quý, nghề này bắt đầu “thịnh” từ mấy năm nay. Người theo nghề bán chim cảnh chủ yếu là chị em phụ nữ tranh thủ lúc nông nhàn ra phố mưu sinh thêm.

Chị Trần Thị Lựu, một chủ buôn chim cảnh cùng hội với chị Lâm, kể: “Hồi nớ nhiều chim đẹp lạ lắm. Thường mỗi ngày mua lại được có mấy con thôi nhưng có con nào bán con đó, lãi cao. Chừ thì đại trà, loại chi cũng có, có chim rừng chính hiệu, lại có cả chim nhà nuôi. Tùy chất lượng giọng hót, tùy loại chim hồng tước, vàng anh, chào mào, sáo sậu… mà giá từ 50 đến 200 nghìn đồng một con. Riêng loài khướu cao giá nhất, 400- 500 ngàn một con. Bán như vầy, trung bình mỗi ngày trừ tiền xăng xe, cơm bụi ra là dư lo được bữa ăn ở nhà quê mình. Nghề đang thịnh nhưng kiếm miếng ăn cũng nhiều cái cực”.

Cả làng rủ nhau buôn chim cảnh - 2

Đủ loài chim cảnh cung cấp cho thị trường

Nhiều “tai nạn nghề nghiệp”

Nội chuyện đi buôn chim cũng nhiều cái “cười ra nước mắt”. Chị Lâm kể lại “tai nạn” nhớ đời: “Lần đầu học người ở làng mua chim ra phố bán. Sáng ra đi muộn, phải chạy xe đuổi theo mọi người cho kịp. Vô tới Tam Kỳ (Quảng Nam), ngó lại thấy chim trong lồng rũ rượi hết trơn. Có con lăn ra chết. Lúc này mới sực nhớ ra mình chạy xe nhanh quá làm lũ chim hoảng thì đã muộn. Buôn chim chạy xe máy mà như đi xe đạp là vì rứa đó. Thành thử phải dậy từ sớm, mới ra tới thành phố kịp buổi đông người”.

Cả làng rủ nhau buôn chim cảnh - 3

Đường dài nhưng phải luôn chạy xe chậm để chim không bị hoảng

Nỗi lo lớn của các hội buôn chim cảnh làng Bình Quý là không có chỗ buôn bán cố định. Mà mỗi lần dừng bán ở một điểm nào đó là phải dừng cả hội, lại kéo theo nhiều người đến xem, nên tụ thành đám đông giữa phố. Vì vậy “suốt ngày cứ phải canh chừng các đội trật tự đô thị”.
 
Chị Phương vừa thấy chúng tôi mang máy ảnh đã e dè: “Cho bọn tui làm ăn kiếm chút, chứ chụp ảnh rồi phản ánh chúng tôi tụ tập đông người, trật tự đô thị họ làm căng thì không biết xoay sở ra răng”.

Cả làng rủ nhau buôn chim cảnh - 4

vừa bán vừa canh chừng các đội quản lý trật tự đô thị

Mới tháng trước, chị bị đội trật tự giữ xe do không kịp chạy giải tán. Xe bị giam cả tuần trời, không làm ăn gì được. Chồng lại đang nằm viện. Chị phải mượn tiền nộp phạt mang xe về. “May họ cũng thương mình, không thu mất cái lồng chim luôn, không thì coi như mất trắng”. Chị Phương kể rồi lại ước: “Phải chi có cái chỗ ổn định họ cho phép mình tập trung buôn bán. Không phải vừa mời khách vừa canh chừng nữa”.

Khánh Hiền