Cả làng… phi hành
(Dân trí) - Hành phi, sản phẩm độc đáo của một làng ven đô Hà Nội, là thứ gia vị không thể thiếu cho nhiều món ăn quen thuộc. Nhờ món hành phi mà người dân thôn Thuận Quang (Dương Xá, Gia Lâm) có đời sống khấm khá, có nhà, có xe…
Thôn Thuận Quang nằm ven quốc lộ 5 đầy tiếng ồn và gió bụi. Suốt ngày trong thôn vang tiếng máy bóc vỏ hành, không khí sản xuất lúc nào cũng nhộn nhịp.
Nghề phi hành đã có ở Thuận Quang từ hơn chục năm nay và sau nhiều năm vật lộn, nó đã trở thành nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ dân nơi đây.
Trước đây, người dân Thuận Quang thường gánh hành tươi vào nội thành Hà Nội bán. Khi thấy những quán bún riêu có những cọng hành thái mỏng được phi mỡ vàng óng thơm lừng, người Thuận Quang nhanh trí học hỏi rồi về tự tay mình làm nên sản phẩm.
Công đoạn đóng gói hành phi. |
Bà Lê Thị Hoà, một trong những người đầu tiên làm hành phi ở Thuận Quang, cho biết, hành sau khi được phi mỡ vàng ươm là thứ gia vị quan trọng nhất của những món ăn như xôi, bánh cuốn, phở, cơm rang…
Nghề phi hành không đòi hỏi lắm công phu nên có thể tận dụng sức lao động của mọi mọi trong gia đình. Từ củ hành tươi bóc vỏ, rửa sạch, cho vào máy xay nhỏ rồi ép khô, sau đó đưa lên phi trong chảo mỡ là có mẻ hành phi ngon lành. Công cụ sản xuất cũng chỉ cần máy ép, chảo rán, dao, thớt và những vật dụng “bếp núc” khác. Bình quân mỗi ngày, một hộ cũng sản xuất được từ 1-3 tạ thành phẩm.
Hợp khẩu vị với người tiêu dùng, hành phi Thuận Quang hiện có mặt khắp Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…, thậm chí còn xuất ngoại.
|
Gia đình anh Lê Văn Quân là “lò” hành phi đầu tiên xuất hàng ra các nước như Ba Lan, Hà Lan, Anh, Indonesia... phục vụ bà con kiều bào và cả người bản xứ. Anh Quân nói, hàng của gia đình được xuất khẩu thông qua một công ty, theo đó mỗi tháng gia đình anh cho xuất kho một container từ 8-9 tấn.
Ông Chiến, một người sản xuất hành phi của thôn, tiếc rẻ cho biết, trước đây có đoàn khách người Đài Loan vào nhà đặt hàng mỗi tháng 2 container hành phi nhưng gia đình đành từ chối vì không đủ sức cung ứng lượng hàng lớn như vậy.
Những ngày cuối năm, lượng hàng xuất ra thị trường ở Thuận Quang tăng lên nhiều, hoạt động sản xuất ở đây như một khu công nghiệp thu nhỏ. Nhờ món hành phi, bao năm nay Thuận Quang đã thay da đổi thịt. Người dân đã biết dựa vào những củ hành bé nhỏ để có một cuộc sống ấm no, sung túc.
Trần Minh Tuấn