Thanh Hóa:
"Cả làng chỉ có 2 hộ thoát nghèo!"
(Dân trí) - Những ngày cuối năm, cái rét buốt tái tê nơi đại ngàn với sương mù và những cơn mưa phùn rả rích như thấm vào da thịt. Về với người dân làng Mài, chúng tôi được thấu hiểu hơn vì sao đồng bào nơi đây ít “con chữ”, quanh năm lay lắt với đói nghèo…
Đói nghèo, âu lo chất chồng.
Mặc dù nằm trên địa bàn của một huyện miền núi, thế nhưng đã mấy chục năm qua cư dân làng Mài, xã Bình Lương, huyện Như Xuân luôn sống trong cảnh ngập úng. Mỗi khi nước sông Mực lên cao thì làng Mài hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chính sách di dời người dân nơi đây ra khỏi vùng lòng hồ để họ ổn định cuộc sống, nhưng cho đến thời điểm hiện tại dự án vẫn còn nằm trên giấy, còn người dân thì vẫn sống trong cảnh đói nghèo, thấp thỏm lo âu mỗi khi mùa mưa về…
Làng Mài hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn, nhà tranh tạm bợ của người dân nằm khuất mình trong màn sương mù dày đặc. Gặp chúng tôi, ông Lương Hồng Đôn, Bí thư Chi bộ thôn làng Mài chia sẻ: "Dân chúng tôi khổ lắm cán bộ à, chả có nghề ngỗng gì, chỉ có nghề vào rừng đi hái măng, đốn củi về bán lấy tiền đong gạo. Đường xá biệt lập với thế giới bên ngoài, ruộng đồng thì cứ mưa là ngập úng hoàn toàn, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền địa phương, nhưng hứa mãi mà có thấy gì đâu".
Đến với làng Mài, điều đầu tiên khiến nhiều người thấy ái ngại là con đường độc đạo dẫn từ trung tâm xã đến làng, đây là con đường duy nhất của cư dân làng Mài, con đường dài chừng 10km này quanh năm nhầy nhụa trong bùn đất. Đường xá cách trở, khiến cho mọi hoạt động của người dân gần như bị cô lập, khổ nhất là việc học hành của con em nơi đây. Do đường xá đi lại khó khăn, trường học lại tập trung chủ yếu ở trung tâm xã nên đa phần các em nhỏ học hành đều danh dở. Làng Mài hiện có 96 hộ với trên 400 nhân khẩu nhưng chỉ có vài em học hết cấp 3, còn đa phần cứ lên cấp 2 là bỏ học.
Ông Cao Văn Hùng, Bí thư Đảng bộ xã Bình Lương cho biết: "Bình Lương là một xã nghèo, trong đó thôn làng Mài là thôn nghèo nhất xã, đây cũng là thôn có 100% đồng bào là người dân tộc Thái. Cuộc sống nghèo khó quanh năm do lụt lội, đất đai sản xuất thì ít, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Đây chính là nguyên nhân khiến làng Mài khó có thể phát triển được, tập quán sản xuất của người dân vẫn là tự cung tự cấp là chính. Cả thôn mới có đúng 2 hộ thoát nghèo".
"Vấn đề chuyển người dân đến nơi ở mới cũng đã được huyện, Sở Nông nghiệp và vườn quốc gia họp bàn với địa phương để di chuyển tất cả các hộ dân làng Mài ra khu vực Ao Vàng, Nấc Am cách nơi ở cũ khoảng 5km để họ có chỗ định cư ổn định lâu dài, yên tâm phát triển kinh tế. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy cấp trên có thông báo gì, còn người dân nơi đây vẫn cứ sống trong sự lo âu, thấp thỏm mỗi khi mùa mưa về. Địa phương cũng đau đầu với cư dân làng Mài lắm, nhưng lực bất tòng tâm" - ông Hùng cho biết thêm.
Đến làng Mài, tiếp xúc với người dân, chứng kiến cuộc sống nghèo khó cả về vật chất lẫn tinh thần, của người dân nơi đây, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu được những cảnh đời cơ cực mà họ đang phải đối mặt. Ruộng đồng thì ít mà lại thường xuyên bị ngập úng, người dân nơi đây cũng chỉ biết sống dựa vào rừng. Ghé thăm gia đình bà Hà Thị Hằng, trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo, mục nát, bữa ăn của gia đình là mấy cái măng mới đi bẻ trong rừng về. Tuy mới ngoài 50 tuổi nhưng nhìn người đàn bà đã 8 lần sinh nở này chẳng khác gì bà lão 70.
Cuộc sống của gia đình chị Hà Thị Hồng, nhiều người có mặt đã không cầm được nước mắt trước cảnh đời bất hạnh của chị Hồng, người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi này đã có 3 mặt con, chồng thì bỏ đi khắp nơi làm ăn một năm về được một vài lần rồi đi biền biệt, bỏ chị lại với 3 đứa con thơ quanh năm sống trong cảnh đói nghèo.
Bao giờ cho hết âu lo?
Ông Dương Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: "Việc di dân làng Mài ra khu vực khác là do Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT là chủ đầu tư, vấn đề mấu chốt hiện nay là huyện cùng với xã, Chi cục Phát triển nông thôn và Vườn quốc gia Bến En phải xác định lại nguồn đất cần cấp, phải rõ ràng rành mạch để người dân đến nơi ở mới có đất sản xuất. Ngoài ra việc di dân ở đây không phải là chuyển tất cả các hộ dân này đi nơi khác mà chỉ chuyển những hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp từ mực nước của lòng hồ. Còn con đường vào làng Mài, đây là con đường cấp thôn, xóm, nên hiện tại huyện chưa có nguồn nào để nâng cấp, sửa chữa. Trước mắt huyện chỉ khắc phục bằng cách hỏng đến đâu, tu sửa đến đó, còn muốn nâng cấp, làm mới thì phải cần đến sự hỗ trợ của trung ương".
Cuộc sống khó khăn, nghèo đói của cư dân làng Mài phần lớn là do tác động của lòng hồ sông Mực, vấn đề này UBND xã Bình Lương cũng như huyện Như Xuân đều biết. Thế nhưng do không thể cáng đáng được nên đã nhiều năm qua, cư dân làng Mài vẫn sống trong nỗi lo âu, vì thế để cư dân làng Mài có thể an cư được, họ cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên