1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Trị:

Cá chết hàng loạt do... ngạt thở!

(Dân trí) - Sau quá trình lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng nước ở sông Sa Lung (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân cá chết hàng loạt là do thiếu ô xy và bị sốc nước.

Ngày 21/9, UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, đã nhận được kết luận của Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị việc phân tích nguyên nhân cá chết trên sông Sa Lung.

Kết luận trên cho thấy, trong thời gian đập Sa Lung tích nước, dòng chảy bị gián đoạn gây ra hiện tượng lắng đọng chất hữu cơ vào lớp trầm tích.

Khi đập được xả, lượng nước đổ về lớn (khoảng 7,1 triệu m3 trong 3 ngày từ 6 - 9/9/2016). Do lòng sông hẹp nên nước chảy rất mạnh, làm xáo trộn lớp trầm tích tích tụ dưới đáy sông. Chính điều này khiến hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm mạnh, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Cá chết hàng loạt trên sông Sa Lung, đoạn chảy qua xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh
Cá chết hàng loạt trên sông Sa Lung, đoạn chảy qua xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh

Ngoài nguyên nhân trên, cơ quan chức năng cũng cho rằng, khi đập Sa Lung xả nước, nước sông chảy mạnh, cá nước ngọt sống ở thượng nguồn bị cuốn xuống vùng hạ lưu, gặp nước mặn nên không thích ứng được. Cùng với đó, cá nước mặn và nước lợ cũng bị sốc rồi chết do tiếp xúc đột ngột với nước ngọt.

Trước những nghi vấn của người dân địa phương rằng cá chết là do các nhà máy chế biến phía thượng nguồn xả thải, báo cáo của Sở TN-MT khẳng định, hiện nay trên lưu vực sông Sa Lung có 3 nhà máy chế biến mủ cao su và 1 nhà máy giấy có phát sinh nước thải. Tuy nhiên, các nhà máy này đều đã đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra sông Sa Lung.

Hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Sa Lung được cơ quan chức năng nhận định là do thiếu o xy
Hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Sa Lung được cơ quan chức năng nhận định là do thiếu o xy

Để hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra trong những năm về sau, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đưa ra giải pháp kéo dài thời gian xả nước, giảm lưu lượng xả trong thời gian đầu, tăng dần sau đó để các loại cá dần thích nghi.

Đ. Đức