Ca bệnh ở viện E là may mắn nhưng cũng rất đáng báo động!

Quang Phong

(Dân trí) - Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, bệnh nhân trong Viện E được xác định âm tính với SASR-CoV-2 là may mắn cho TP. Bởi nếu ca này dương tính thực sự thì rất nhiều vấn đề phức tạp phải xử lý.

Sáng ngày 22/8, phát biểu tại buổi làm việc giữa Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội với các bệnh viện trên địa bàn, ông Lê Hữu Song - Phó Giám đốc viện 108 cho biết, mỗi ngày đơn vị này khám từ 4.000-5.000 bệnh nhân. “Chúng tôi vẫn thường nói với nhau là đang đi trên dây, bởi bệnh nhân họ khai báo y tế không thật và nhiều trường hợp không có triệu chứng thì cũng khó mà biết họ là F0”, ông Lê Hữu Song nói.

Với việc dịch bệnh diễn ra từ Tết đến nay, có hơn 1.000 ca mắc, ông Song đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành sơ kết lại xem tỷ lệ lây nhiễm từ F0 sang F1 và từ F1 sang F2 như thế nào. Từ đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, nếu không đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. Bởi theo ông Song, việc cách ly, xét nghiệm cho mỗi ca hiện nay theo quy định bảo hiểm chỉ chi trả 700 nghìn đồng, nhưng thực tế lên đến 2 triệu đồng.

Ca bệnh ở viện E là may mắn nhưng cũng rất đáng báo động! - 1

Ngay khi có thông tin ca bệnh, Bệnh viện E đã tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân trong đêm 19/8. (Ảnh: Lê Hảo)

Còn ông Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, từ Tết đến nay đơn vị này chưa bao giờ dừng thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước. “Nhiều người trách tôi là anh khắt khe quá, làm thế thì nguy hiểm đến phát triển kinh tế, gây rắc rối cho việc khám chữa bệnh. Tôi nói vì nhà nước chưa bỏ văn bản nào thì tôi vẫn thực hiện thôi!”, ông Cường nói.

Theo ông Cường nếu các bệnh viện chủ quan trong phòng chống dịch thì sẽ rất vất vả trong việc dập dịch. Ông Cường cho rằng, nếu sàng lọc kỹ các bệnh nhân ngay từ khi vào khám bệnh thì số người phải xét nghiệm sẽ giảm đi rất nhiều.

“Một bệnh nhân trong 8-9 ngày đi khắp các khoa trong viện, sao xét nghiệm SASR-CoV-2 lại không biết? Vì vậy, tôi rất khắt khe ở khu sàng lọc, nên rất nhiều người khó chịu. Chống dịch như chống giặc mà để giặc vào nhà thì chết dở, nên phải nghiêm túc”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội đánh giá trường hợp liên quan đến Bệnh viện E vừa qua là rất báo động. “Dù có rất nhiều buổi tập dượt rồi, nhưng trường hợp này có rất nhiều y bác sĩ bị cách ly. Nếu như trường hợp trong bệnh viện có tới 2-3 ca bệnh thì không biết thế nào”, ông Hiền nói.

Theo ông Hiền nếu như bệnh nhân 87 tuổi dương tính thực sự với SASR-CoV-2, thì chắc chắn Bệnh viện E bị phong tỏa. Lúc đó vấn đề cách ly đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện sẽ phải đặt ra và gây áp lức rất lớn cho cơ quan chức năng. Do vậy, ông Hiền đề nghị các bệnh viện phải rất nghiêm túc trong phòng chống Covid-19.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc lại trường hợp bệnh nhân 87 tuổi ở Bệnh viện E, được ghi nhận dương tính với SASR-CoV-2, nhưng sau đó xét nghiệm 3 lần PCR âm tính là một may mắn cho TP Hà Nội. Bởi theo ông Quý, nếu trường hợp này dương tính thực sự với SASR-CoV-2 trong bệnh viện thì việc xử lý sẽ rất phức tạp.

“Trường hợp này thực sự rất may mắn với TP chúng ta. Tuy nhiên, đây cũng là bài học tập duyệt rất tốt trên địa bàn TP, bởi khi nhận được thông báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng khoanh bệnh viện lại để tìm các ca F1. Qua đây, nếu như có ca dương tính với SASR-CoV-2, mong rằng các bệnh viện vào cuộc nhanh như vậy”, ông Quý nói và chỉ ra điểm yếu trong Bệnh viện E vừa qua không phân luồng bệnh nhân sớm, để bệnh nhân tiếp xúc gần với hàng chục y bác sĩ ở nhiều khoa trong viện.