Buồn tủi cùng dân cửu vạn
(Dân trí) - Sáng sớm tinh mơ “xuất quân” khi đã lèn chặt vào bụng 3 bát cơm với cá khô, đến khi bóng tối phủ xuống mới cùng chiếc xe đạp ọc ạch về nhà, nắng đến cháy thịt da, họ vẫn có mặt khắp mọi nẻo đường. Có đi, có gặp, có trò chuyện với dân cửu vạn, mới hiểu được nỗi khổ của cái nghề đầy buồn tủi này.
8 miệng ăn ngóng bóng cha ở thị xã
Không ai biết chính xác tự lúc nào ngã tư giao nhau của 2 con đường nội thị Hải Thượng Lãn Ông - Hà Huy Tập (thị xã Hà Tĩnh) hình thành một cái chợ rất đặc biệt: chợ cửu vạn. Hầu như sáng nào chợ cũng họp. Ban đầu, chỉ dăm ba người đàn ông từ các vùng phụ cận tụ lại một điểm để kiếm việc làm cho dễ, sau thì không kể là đàn ông hay đàn bà, cứ lên thị xã là tập trung lại đây. Bây giờ thì buổi sáng, chợ cửu vạn vui đáo để.
Vòng vèo qua chợ cửu vạn này, đếm sơ cũng phải có đến trên sáu chục người cả nam lẫn nữ. Thanh niên có. Người luống tuổi có. Và không ít những cô cậu chưa đến tuổi thanh niên. Những khuôn mặt đậm chất nông dân đen xạm, thu mình trong những bộ quần áo nhàu nát, lấm lem bùn cát. Họ vô tư cười cười, nói nói, đứng ngồi nhốn nháo lấn ra cả lòng đường. Cần câu cơm - những chiếc xe đạp lọc cọc được trang bị thêm xe đẩy, cuốc xẻng… dựng ngổn ngang bên lề đường.
Ông Lê Văn Hào, một người đàn ông trung niên quê xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà) cùng tốp bốn thanh niên khác tự động lập thành một nhóm để như họ nói, là “dựa vào nhau mà sống”. Nhóm của ông Hào thường đến sớm hơn những nhóm khác, và chính vì điều đó, họ kiếm được nhiều việc hơn, thu nhập cũng cao hơn.
Ông Hào quê ở xóm 8 xã Thạch Thắng, làm nghề cửu vạn hơn hai chục năm nay kể, cuộc sống của gia đình ông phụ thuộc nhiều vào những đồng tiền ít ỏi mà ông kiếm được ở đây. “Nhà tui có 6 người con, nhưng chỉ 4 đứa có ruộng. Mà ruộng nhà quê bây giờ chẳng dư giả gì, chỉ có đúng 4 sào. Nói thật với chú, trông vào mấy sào ruộng ấy, thì chưa khi mô đủ gạo để ăn. Vậy là bao năm nay vợ con ở nhà lo đồng ruộng, còn tui lên thị xã làm thuê kiếm gạo. Cả nhà tui ngóng trông về thị xã đấy anh ạ!” - ông Hào kể tiếp.
Sáng sớm sau bữa cơm, ông Hào dắt chiếc xe đạp đã được vợ gắn lên đó tất cả đồ nghề phóng thẳng lên thị xã, hi vọng ai thuê để làm. Ông chẳng thể nhớ nổi những công việc mà mình đã làm trong đời cửu vạn. Bàn tay ông sần sùi, cái cổ ngắn cũn thì đen cháy, rám nắng. Một mình cái thân ốm yếu, gầy gòm đẫm sương gió của ông lăn lộn đủ mọi ngõ ngách, đủ mọi công việc.
Rỗi rãi thì tụ tập đánh bài, hò hét nhưng trong bụng thì “nẫu” lắm! |
Nhưng, nói thế không có nghĩa là ông Hào dễ dàng làm ra tiền nhờ vào thâm niên lăn lộn ở đất thị xã. Có ngày “trúng mánh”, ông Hào dễ dàng mang về cho gia đình dăm chục ngàn, nhưng có khi cả mấy ngày liền không kiếm được một đồng một cắc. Những lúc như thế, đành ôm bụng đói mà về.
Ông Hào kể: “Bây giờ con cái đã lớn nên có đỡ hơn đôi chút, chứ ngày trước mỗi khi mùa màng thất bát, ở trên thị không kiếm được việc gì nữa là coi như cả nhà đứt bữa! Mà không phải một mình tôi đâu, ai đã lên đây thì có nghĩa là ở quê không kiếm được việc gì để làm ra tiền nữa. Chú xem, nhìn đánh bài đánh vở vui vẻ thế, chứ trong bụng thì sốt ruột lắm đó. Cả nhà đang ngóng mà!”.
Muôn nẻo mưu sinh
Ai đã gắn bó với cái nghề gian truân này thì phải chấp nhận một thực tế, làm bất cứ việc gì nếu muốn có thêm chút đỉnh. “Những người như bọn em, ai thuê việc gì cũng làm. Gạch ngói, cát sỏi, dọn vệ sinh nhà cửa, giết gà, mổ lợn… tất cả đều làm tuốt. Nói anh đừng khinh, tháng trước tết, có cô hơn 40 tuổi thuê bạn em về nhà, nói là để dọn nhà, nhưng vào nhà, pha nước uống rồi bảo: “Anh đi tắm đi!”. Chắc anh hiểu chuyện tế nhị sau đó. Anh ạ, trước tết thì nói thật lòng với anh, việc ấy em cũng không chối. Nhìn người ta đi sắm tết vui vẻ, tụi em sốt ruột lắm!” - gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại rơi chàng cửu vạn tên Dũng kể.
Đang trò chuyện dở, một người đàn ông lịch lãm trên chiếc Spasy cúp xi-nhan, tấp vào lề. Ngay lập tức, vài chục người ùa ra cả đường, nhốn nháo cả ngã tư. Ông Hào, anh Dũng cũng bước vội theo. “Mần chi? Ở mô? Cần nhiều người không?”.
Sau một hồi nhốn nháo, cả chục cửu vạn vội vã xách xe đạp phóng theo chiếc xe máy. Ông Hào và Dũng không được tham gia chuyến “xuất quân” vừa rồi. Thì ra, công việc mà người đàn ông vừa thuê chỉ là bốc một xe IFA cát. Chục cửu vạn cho một công việc như thế là đã quá đông nên việc những người chạy ùa ra theo không đi cũng là dễ hiểu.
|
Câu chuyện Dũng kể sau đây nghe tưởng như đùa nhưng lại là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với dân cửu vạn: “Cách đây mấy hôm, có một nhóm thanh niên ăn nhậu đến quá đà. Kết thúc cuộc vui, đám thanh niên say bét nhè, đạp đổ cả những thứ có trong cuộc nhậu, nôn oẹ ra khắp nơi. Tỉnh dậy, họ nhanh chóng thu dọn chiến trường bằng cách không giống ai: ra ngã tư này kiếm cửu vạn về làm thay. 50 ngàn, thế là xong!”.
Theo những người đàn ông làm nghề này mà tôi được trò chuyện, thì ở đây, dăm ba ngày lại xẩy ra một vụ cãi lộn, đánh nhau vì tranh giành việc làm. Khi không thuyết phục được nhau, thì dù chỉ là một công việc cần hai người làm nhưng cả chục người vẫn bám theo đòi chia phần. Như thế, tiền công dù có cũng chẳng đáng là bao. Cả tiếng đồng hồ làm việc chỉ kiếm được dăm ngàn đồng là chuyện thường tình.
“Những người thuê cửu vạn thi thoảng vẫn có trường hợp không sòng phẳng, cò kè với người làm thuê từng đồng. Đã mệt lại bị bớt tiền thù lao. Những lúc như thế bực bội lắm. Nói thật, không ít lần cả chủ lẫn cửu vạn chúng tôi choảng nhau đến máu chảy chỉ vì sự không sòng phẳng này” - ông Hào kể.
Lại một chiếc xe máy khác xuất hiện. Lần này tôi thấy khuôn mặt ông Hào vui hơn vì đợt xuất quân này ông đã kiếm được chút việc. Nghe đâu, người khách kia thuê cửu vạn về nhà sửa sang lại mái ngói bị thấm dột. Những cửu vạn còn lại, họ lại thẫn thờ chờ đợi và chờ đợi…
Văn Dũng