1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm

Với sải cánh dài tới 30cm, chú bướm khế mà chị Tuyết bắt được thực sự mới là khổng lồ.

Suốt mấy ngày qua, người dân xóm 7 (Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội), ngoại thành Hà Nội, được phen ngỡ ngàng khi tận mắt loài bướm khổng lồ, có sải cánh tới 30cm, xuất hiện ở làng.

Theo chị Đặng Ánh Tuyết, cách đây mấy hôm, khi gia đình chị đang ăn tối, xem thời sự, thì nghe tiếng vỗ cánh phần phật. Mọi người ngước cổ nhìn lên mái nhà, thấy con bướm khổng lồ bay từ vườn vào nhà.


Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Con bướm chị Tuyết bắt được dài bằng chú mèo. 
Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
So với viên gạch hoa có kích cỡ 40cm. 

Chưa từng thấy con bướm nào lớn như thế, nên lúc đầu mọi người cũng hoảng. Định thần lại, thấy con bướm đẹp quá, nên chị Tuyết bắt lại, định ép vào sổ làm kỷ niệm. Tuy nhiên, mấy người hàng xóm sang xem ngăn lại. Theo ý kiến mọi người, chị đã thả con bướm này ra.

Chị Tuyết thả con bướm ra vườn, nó lập tức bay đi. Thế nhưng, lát sau nó lại bay vào nhà. Theo chị, khả năng trong nhà thắp điện, nên con bướm cứ bay vào.

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
So với chiếc dép người lớn. 

Sớm hôm sau, chị thả nó ra vườn, nhưng đậu một trên cây dâu da xoan một lúc, nó lại bay vào nhà chị. Điều kỳ lạ là con bướm này cứ bay đến cục gỗ ngọc am và đậu yên ở đó. Liệu có phải nó thích mùi thơm của gỗ ngọc am? Thấy sự lạ, nhiều người tìm đến xem.

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Con bướm khổng lồ này thích đậu trên cục gỗ ngọc am. 

Ai cũng hết sức ngỡ ngàng vì chưa từng nhìn thấy con bướm nào to như vậy. Nó có kích cỡ gấp vài chục lần so với bướm thường. Sải cánh của con bướm này dài tới 30cm. Trên cánh con bướm có nhiều hoa văn rất đẹp.

Anh Đào Văn Thùy, hàng xóm chị Tuyết cho hay, trước đó, anh thấy có những cục phân to bằng hạt đậu đen rơi bồm bộm xuống ngõ. Anh ngó lên cây dâu da xoan um tùm lá trước nhà anh và chị Tuyết, thì thấy một con sâu to gần bằng chuôi liềm, trông rất hãi.

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Chiếc mũ bảo hiểm thật nhỏ bé so với con bướm. 

Con sâu này có màu xanh lét, với hàng gai có phấn trắng tua tủa trên lưng. Nó nhai lá phát ra tiếng kêu. Khu vực có con sâu bám, lá dâu da bị ăn xơ xác, tơi bời. Theo anh Thùy, có thể con sâu đó đóng kén, rồi kén đó vừa nở ra sâu. Con bướm này mới nở thì bay lạc vào nhà chị Tuyết. Mặc dù mới nở, song nó đã có kích cỡ khổng lồ như thế.

Một số cụ già ở Đông Dư cũng lắc đầu không biết đây là loài bướm gì. Có cụ khẳng định đây chính là bướm khế. Loài bướm này từng xuất hiện ở làng vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Cuốn sổ khổ lớn cũng không ép được con bướm này. 

Khi đó, trên cây khế xuất hiện cả đàn bướm, con bay, con đậu dập dìu, trông vừa đẹp vừa sợ. Sở dĩ người ta sợ, vì kích cỡ của nó lớn bất thường. Thế nhưng, chúng chỉ xuất hiện một lần, rồi biến mất. Bao nhiêu năm nay, không ai nhìn thấy chúng lần nữa. Có thể do người dân ở đây phun hóa chất diệt cỏ, diệt sâu trên ổi (Đông Dư có đặc sản ổi), nên loài bướm khổng lồ này cũng mất hút.

Các cụ già gọi loài bướm khổng lồ này là bướm bà. Nhưng tên phổ biến của nó là bướm khế vì nó sinh ra từ loài sâu và tổ kén trên cây khế.

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Sâu bướm khế. Ảnh internet 

Từ câu chuyện của các cụ, tôi để ý, thấy cạnh cây dâu da xoan trước nhà chị Tuyết, có 2 cây khế tốt um tùm. Tuy nhiên, tìm kiếm mãi mà không thấy tổ kén nào.

Bướm khế là loài thường chọn cây cối tốt tươi, đặc biệt là cây khế để đẻ trứng. Trứng bướm bằng hạt đỗ, trông như nụ hoa khế.

Qua tìm hiểu, được biết, bướm khế có tên khoa học là Attacus Atlas, là một trong 3 loài bướm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (bướm khế, bướm đuôi dài, bướm phượng).

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Trứng... Ảnh intertnet
Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Kén...Ảnh internet.
Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Nhộng sâu bướm. Ảnh internet. 

Theo Sách đỏ Việt Nam, cấp độ đe dọa đối với bướm khế được xếp ở mức R (Rare: Hiếm, có thể sẽ nguy cấp). Loài bướm này được ghi nhận có kích thước lớn nhất ở nước ta và trên thế giới, chiều dài sải cánh từ 25 – 30cm.

Bướm khế là loài được giới sưu tầm săn lùng ráo riết. Ở châu Âu, tiêu bản chú bướm khế được bán với giá một vài trăm USD. Vậy nên, ở nhiều nước, đã thực hiện nuôi loài bướm này để phục vụ ngành thủ công mỹ nghệ.

Bướm khổng lồ xuất hiện ở Gia Lâm
Mẫu bướm khế khổng lồ bắt được ở Indonesia vào năm 1922. 

Tại đảo Java của Indonesia, các nhà khoa học đã thu được một mẫu bướm khế có sải cánh dài 26,2cm vào năm 1922. Mẫu bướm này được coi là khổng lồ. Tuy nhiên, với sải cánh dài tới 30cm, chú bướm khế mà chị Tuyết bắt được thực sự mới là khổng lồ.

Mấy năm trước, người dân Thái Lan cũng phát sốt khi một người ở tỉnh Phitsanulok, bắt được con bướm khế có sải cánh 27cm. Người dân Thái Lan có thói quen nhìn các hoa văn trên cánh con bướm khế bắt được để chơi xổ số.
 
Theo Toan My
VTC News