1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Buộc gái bán dâm đi chữa bệnh là mức phạt quá nghiêm khắc

(Dân trí) - Trình Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đề xuất bỏ việc buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh với người bán dâm. Biện pháp này bị “chỉ trích” là quá nghiêm khắc, hạn chế quyền tự do công dân trong khi hành vi bán dâm không gây nguy hiểm cho xã hội.

Buộc gái bán dâm đi chữa bệnh là mức phạt quá nghiêm khắc - 1
Người bán dâm chưa đủ 18 tuổi được xem là nạn nhân xã hội.
 
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày nêu các lý do bác bỏ quy định buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm.

Theo đó, biện pháp này trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đang áp dụng là đối với người bán dâm có tính chất thường xuyên. Thực chất của biện pháp này là xử lý về nhân thân, chứ không phải là bắt buộc chữa bệnh đối với người bán dâm mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nói cách khác, việc đưa gái bán dâm vào cơ sở chữa bệnh vì hành vi vi phạm của họ, chứ không phải vì bị bệnh.

Mục đích của việc áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là cách ly họ khỏi cộng đồng, buộc họ chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề, song về bản chất vẫn hạn chế quyền tự do của công dân. Quy định này, theo đánh giá của Chính phủ, là quá nghiêm khắc, vì hành vi vi phạm của người bán dâm không gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải bị hạn chế tự do.

Đối với trường hợp người bán dâm đủ 16 tuổi nhưng vẫn chưa đủ tuổi thành niên (18 tuổi), thông lệ quốc tế không coi các em là đối tượng vi phạm pháp luật mà coi là nhóm đối tượng bị tổn thương, cần có sự bảo vệ của xã hội và được đối xử như nạn nhân.

Thực tiễn, mại dâm là vấn đề xã hội, cần được giải quyết chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế - xã hội như phát triển việc làm, dạy nghề thì mới đạt hiệu quả thực sự chứ không phải các biện pháp xử phạt.

Việc áp dụng biện pháp buộc đưa đi chữa bệnh, cơ quan soạn thảo dự án luật cho là vấn đề mang tính chất lịch sử. Người bán dâm bị coi là “sản phẩm của chế độ cũ”, cần phải được giáo dục, cải tạo nên bị buộc đưa vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm.

Với xu hướng nhìn nhận vấn đề để ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân, hội nhập quốc tế, cơ quan soạn thảo cho răng, việc bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm là phù hợp. Người bán dâm vẫn bị xử phạt hành chính kèm hình thức phạt bổ sung buộc chữa bệnh đối với người bán dâm mắc các bệnh xã hội.

Gật đầu với đề xuất này, chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý chỉ lưu ý cân nhắc tính khả thiviệc quy định biện pháp phạt bổ sung. Ông Lý phân tích, theo quy định của dự thảo Luật mỗi khi người bán dâm bị xử phạt, nhà nước phải tổ chức khám bệnh cho họ, nếu có bệnh thì bắt buộc chữa bệnh. Trong quá trình bắt buộc người bán dâm phải khám bệnh, trường hợp phát hiện họ mắc bệnh lây truyền, việc buộc chữa bệnh cũng thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước.

“Nhưng trường hợp người bán dâm không có tiền thì ai phải trả khoản tiền khám, chữa bệnh cho họ” – Chủ nhiệm UB Pháp luật đặt câu hỏi.
 
Về việc điều chỉnh mức phạt hành chính 4-5 lần, lên mức tối đa 2 tỷ đồng, UB Pháp luật cho rằng, so với mức phạt áp dụng từ 2008 đến nay là quá cao, không phù hợp mức độ phát triển kinh tế xã hội. Không nên chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà cần quan tâm thực hiện nghiêm các biện pháp khác. Chẳng hạn, đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền vừa phải nhưng áp dụng nghiêm biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn, tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.

UB Pháp luật thống nhất đề xuất quy định mức phạt đặc thù, cao hơn nhưng không quá 2 lần đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, trật tự quản lý đô thị ở nội thành các thành phố trực thuộc TƯ.

P.Thảo