1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Bước đầu xác định loài thú rừng bắt hàng chục con dê của dân

(Dân trí) - Việc nhiều con dê tại trang trại của một người dân bị thú rừng tấn công đã khiến không ít người dân bất an, lo lắng. Cơ quan chức năng đã đi kiểm tra hiện trường, xác minh dấu chân thú và đã có những nhận định bước đầu.

Trước đó, ông Nguyễn Ất (trú tại thôn Tân Phước, xã Hải Lâm), là chủ trang trại nuôi dê đã trình báo với chính quyền địa phương việc có nhiều con dê bị mất tích, chết bất thường. Ông Ất ghi nhận nhiều dấu chân thú có đường kính gần 20 cm để lại quanh trang trại.

Vị trí phát hiện dấu chân thuộc khu vực rừng trồng của xã Hải Lâm, cách khu vực rừng tự nhiên (thượng nguồn sông Nhùng) khoảng 12- 15 km theo đường chim bay.

Chưa khẳng định được loài thú rừng tấn công dê nuôi

Sự việc trên đã khiến nhiều người dân lo lắng, bất an. Người dân không dám lên rừng vì lo ngại thú dữ.

Theo ông Nguyễn Văn Ất, khi lên kiểm tra trang trại, ông thấy 2 con dê chết tại chỗ, một con bị thương, một số con dê khác do hoảng sợ nên bị thất lạc đàn.

Trước sự việc trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra hiện trường, đồng thời xác minh dấu chân thú rừng còn lưu lại ở khu vực gần trang trại của người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường nơi xuất hiện thú rừng
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường nơi xuất hiện thú rừng

Theo ông Lê Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm sông Nhùng, Hạt Kiểm lâm Hải Lăng, hiện chưa xác định được cụ thể loài gì, cần cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ. So lại các dấu chân thì loại động vật này thuộc họ mèo.

Khu vực rừng tràm của người dân xã Hải Lâm
Khu vực rừng tràm của người dân xã Hải Lâm

Ông Trần Văn Tý – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị - cho biết, qua xác minh ban đầu thì đây là loại động vật hoang dã ăn thịt thuộc họ mèo, phân họ báo. Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ.

“Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm đã tiếp tục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng phối hợp với chính quyền địa phương, bằng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, theo dõi để xác minh chính xác, báo cho người dân rõ để họ yên tâm sinh sống, sản xuất. Đồng thời, khi phát hiện cần báo cáo với Kiểm lâm sở tại để có biện pháp bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm này”, ông Tý nói.

Đ. Đức